26/04/2024 - 08:54

Mỹ chuẩn bị tịch thu tài sản Nga 

Gói viện trợ lớn dành cho Ukraine và những đồng minh khác mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký đồng thời cho phép Washington tịch thu tài sản của Nga trên nước Mỹ và sử dụng vì lợi ích của Kiev, theo AP.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Mát-xcơ-va. Ảnh: Bloomberg

uy trình tịch thu được thực hiện theo Ðạo luật Tái thiết Kinh tế Thịnh vượng và Cơ hội cho người Ukraine (REPO). Nó được xem như biện pháp “thực thi nghĩa vụ” của Nga nhằm bồi thường thiệt hại mà Kiev gánh chịu từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Mát-xcơ-va phát động từ tháng 2-2022. Theo luật mới, Tổng thống và Bộ Tài chính có 3 tháng để xác định tài sản của Nga ở Mỹ và báo cáo lại Quốc hội trong vòng 180 ngày. Một tháng sau thời hạn đó, Tổng thống sẽ được phép “chiếm giữ, tịch thu, chuyển nhượng hoặc bàn giao” bất kỳ tài sản thuộc chủ quyền nhà nước Nga trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ, ngoại trừ tài sản ngoại giao.

Ðược biết, sau khi xung đột bùng phát, Mỹ và các đồng minh ngay lập tức đóng băng 300 tỉ USD tài sản Nga ở nước ngoài. Hiện khối tài sản đó vẫn bị phong tỏa với 232 tỉ USD đang nằm ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 5 tỉ USD ở Mỹ. Việc chuyển từ trang thái “đóng băng” sang tịch thu và giao dịch khối tài sản nói trên vì lợi ích của Ukraine đòi hỏi có thêm thủ tục tư pháp, bao gồm cơ sở pháp lý và xét xử tại tòa án.

Đồng minh do dự

Tổng thống Biden được quyền quyết định 5 tỉ USD của Nga được sử dụng như thế nào vì lợi ích của Ukraine. Nhưng trước khi hành động, chủ nhân Nhà Trắng phải tham khảo ý kiến các thành viên EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Bởi trong đạo luật nêu rõ bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm tịch thu và tái sử dụng tài sản thuộc chủ quyền của Nga phải được thực hiện cùng với các đồng minh toàn cầu và những quốc gia khác như một phần của nỗ lực phối hợp hành động.

Vào tháng 3, các nhà lãnh đạo EU nhất trí về mặt nguyên tắc với kế hoạch sử dụng lãi thu được từ tài sản Nga để viện trợ cho Ukraine và liên minh cũng đã bắt đầu thống kê riêng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga. Tùy vào lãi suất toàn cầu, số tiền thu về ước tính khoảng 2,7-3,3 tỉ USD/năm. Nếu triển khai kế hoạch, 90% số tiền sẽ được chuyển đến Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) để mua vũ khí cho Ukraine, 10% còn lại sử dụng cho mục đích tái thiết. Kiev cũng sẽ nhận được khoản thuế 25% hàng năm mà Bỉ đánh vào các khoản lợi nhuận từ tài sản Nga, dự kiến lên tới 1,84 tỉ USD trong năm nay.

Về lâu dài, các quan chức EU cho biết một phần nhỏ trong tiền lãi sẽ được giữ lại để ứng phó rủi ro pháp lý nếu Nga có phản ứng. Còn với việc tiến thêm bước chính thức chiếm giữ tài sản của Nga ở châu Âu, nhiều nhà lập pháp EU bắt đầu đầu kêu gọi có hành động hơn nữa sau động thái từ Mỹ. Song, tờ Financial Times cho biết một số nước như Pháp, Ðức và Ý vẫn do dự và “cực kỳ thận trọng”. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh việc sử dụng tiền bị đóng băng có thể gây nguy hiểm cho danh tiếng của đồng euro. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cảnh báo phải “cẩn trọng cân nhắc” vì tịch thu tài sản Nga như vậy có nguy cơ phá vỡ trật tự pháp lý quốc tế.

Rủi ro khó kiểm soát

Theo những ý kiến chỉ trích Ðạo luật REPO, vũ khí hóa tài chính toàn cầu nhằm chống lại Nga có thể gây tổn hại vị thế thống trị của đồng USD với những rủi ro mà Mỹ không thể lường trước. Trong đó, nó sẽ khiến nhiều quốc gia như Trung Quốc (nước nắm giữ 797,7 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ) nhận ra rằng việc giữ dự trữ bằng USD là không an toàn.

Về phần mình, Nga tuyên bố luật mới của Mỹ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu, rằng đây là sự xâm phạm đối với những tài sản của nhà nước và tài sản cá nhân và đều là hành vi bất hợp pháp. Ngày 22-4, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh mọi động thái của Mỹ nhằm đóng băng tài sản Nga tạo tiền lệ nguy hiểm và Mát-xcơ-va sẽ có hành động đáp trả. Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố Mát-xcơ-va đã có cơ sở để tịch thu tài sản của phương Tây.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết