05/05/2024 - 17:57

Hào khí Điện Biên ở Cần Thơ 

Ở TP Cần Thơ, việc đặt tên đường phố bằng tên các địa điểm, danh nhân, anh hùng liên quan đến Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã góp phần vun bồi tình yêu lịch sử dân tộc, để hào khí Ðiện Biên luôn lan tỏa trên đất Tây Ðô.

Ðường Ðiện Biên Phủ

Ảnh: DUY KHÔI

Tuyến đường thuộc địa bàn quận Ninh Kiều, nối từ đường Võ Văn Tần đến cuối đường, dài 424m. Tên đường Ðiện Biên Phủ có trước khi TP Cần Thơ thực hiện Ðề án đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020.

Ðiện Biên Phủ, từ sau chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954, đã không đơn thuần là tên gọi một địa danh, mà là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Khi gọi tên Ðiện Biên Phủ, hàng triệu trái tim vang lên niềm tự hào lịch sử, truyền thống dân tộc.

Ðường Võ Nguyên Giáp

Ảnh: DUY KHÔI

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là thành quả của nhiều nhân tố, trong đó có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng, Tổng Quân ủy, trực tiếp là Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Trên cương vị là Bí thư Ðảng ủy, Chỉ huy trưởng Mặt trận Ðiện Biên Phủ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò vô cùng quan trọng trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Quyết định chuyển đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định lịch sử của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, với tinh thần trách nhiệm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ. Nhắc đến Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, không thể không nhắc đến Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự kiệt xuất với tư duy chiến lược vượt trội. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là sự khẳng định thiên tài quân sự của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ðường Võ Nguyên Giáp thuộc địa bàn quận Cái Răng, từ cầu Hưng Lợi đến Cái Cui, dài 7,67km, được đặt tên theo Nghị quyết số 10/2013/NQ-HÐND, ngày 11-12-2013 của HÐND TP Cần Thơ.

Ðường Tô Vĩnh Diện

Ảnh: DUY KHÔI

Anh hùng Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, tại xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình nông dân nghèo. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông tham gia dân quân ở địa phương, năm 1949 xung phong vào bộ đội.

Ðể chuẩn bị chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị cao xạ pháo. Trên đường đơn vị hành quân hơn 1.000km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch, ông luôn luôn gương mẫu làm mọi việc nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội đưa pháo tới đích an toàn. Có lệnh kéo pháo ra, ông lại đi sát từng người, động viên giải thích rõ nhiệm vụ, giúp anh em quyết tâm khắc phục khó khăn. Ðêm tối, đường dốc, dây kéo pháo đứt, pháo lao nhanh xuống dốc. Trước cảnh hiểm nghèo đó, ông hô anh em: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và buông tay lái xông lên trước, lấy thân mình lao vào chèn bánh xe pháo. Pháo bị vướng, nghiêng tựa vào bờ, nhờ đó đơn vị giữ được pháo không rơi xuống vực. Ông đã anh dũng hy sinh ngày 21-1-1954.

Ông được Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Hai và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Ðường Tô Vĩnh Diện thuộc địa bàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, được đặt tên theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HÐND, ngày 7-7-2017 của HÐND TP Cần Thơ.

Ðường Bế Văn Ðàn

Ảnh: DUY KHÔI

Anh hùng Bế Văn Ðàn sinh năm 1931, dân tộc Tày, quê Cao Bằng. Sớm mồ côi cha, sống côi cút cực khổ. Năm 1949, ông gia nhập bộ đội. Ông đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, trên đường đi chiến dịch, đơn vị ông nhận được lệnh cấp tốc lên Lai Châu chặn địch đang chuẩn bị rút về Ðiện Biên Phủ. Ðại đội ông đã kịp thời tiêu diệt địch ở Mường Pồn. Nhưng ngay sau đó, máy bay địch kéo tới oanh tạc, phối hợp với quân bộ của chúng bao vây nơi ta đóng quân. Khi bọn giặc xông lên, khẩu trung liên của một chiến sĩ do tầm súng quá thấp nên không bắn tới địch, ông đã vụt nhảy đến, quỳ rạp xuống kê súng lên lưng và hai tay nắm chắc hai càng súng, miệng thét lớn giục đồng đội bắn chặn địch. Bị địch bắn trúng vai ngã nhào, khi tỉnh dậy ông lại kêu đồng đội kê súng lên lưng ông tiếp tục bắn. Ông ngã xuống chiến trường, ngày 12-12-1953, quân ta thừa thắng xông lên tiêu diệt địch.

Ông được Quốc hội và Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ðường Bế Văn Ðàn hiện thuộc địa bàn phường An Hòa, quận Ninh Kiều, được đặt tên theo Nghị quyết số 06/2011/NQ-HÐND, ngày 19-7-2011 của HÐND TP Cần Thơ.

Ðường Phan Ðình Giót 

Ảnh: VĂN CHỌN

Anh hùng Phan Ðình Giót sinh năm 1920, quê huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà rất nghèo, bố mất sớm, ông đi làm thuê từ năm 13 tuổi. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia tự vệ chiến đấu, đến năm 1950 xung phong vào bộ đội chủ lực. Trong chiến đấu, ông luôn luôn nêu cao tinh thần quả cảm, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mùa đông năm 1953, đơn vị ông tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Chiều ngày 13-3-1954, có lệnh nổ súng tiêu diệt vị trí Him Lam, sau nhiều loạt pháo bắn dọn đường, các chiến sĩ ta xông lên liên tiếp đánh bộc phá. Mặc dù bị thương ở đùi, Phan Ðình Giót vẫn ôm bộc phá lao lên đánh tiếp. Lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, ông vọt lên bám chắc lô cốt, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến vào. Bị thương vào vai, máu chảy đầm đìa, ông cố gắng nhích dần người đến sát lô cốt số 3, rồi dùng hết sức còn lại lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm của địch bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam. Ông đã hy sinh anh dũng lúc 22 giờ 30 phút ngày 13-3-1954.

Ông được Quốc hội và Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng hai và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Ðường Phan Ðình Giót hiện thuộc địa bàn phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, được đặt tên theo Nghị quyết số 16/2011/NQ-HÐND ngày 8-12-2011 của HÐND TP Cần Thơ.

ÐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết