Lâu nay, hầu hết người dân xã Ðông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long biết đến anh Nguyễn Việt Bằng như một tấm gương tiêu biểu về hành trình vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với tinh thần cần cù, chịu khó và ham học hỏi, anh Nguyễn Việt Bằng không chỉ trồng thành công những loại cây ăn trái đặc sản, anh còn “mát tay” với các giống cây ăn trái mới. Ðam mê nông nghiệp, nhạy bén kinh doanh, anh Bằng đã mang lại thu nhập cho gia đình hàng tỉ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Văn Bằng nói về đặc tính sinh trưởng của cây mít ruột đỏ.
Ðến thăm vườn nhà anh Nguyễn Việt Bằng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là vườn cây ăn trái xanh mướt, đang độ sung sức đơm bông, kết trái. Khu vườn hội tụ nhiều loại cây ăn trái khiến bao người mê mẩn như măng cụt, nhãn, vú sữa Hoàng Kim và mít ruột đỏ.
Vừa dẫn tôi tham quan khu vườn, anh Nguyễn Việt Bằng kể về những ngày đầu lập nghiệp. Xuất thân từ gia đình làm nông, đông anh em, anh Bằng ra riêng chỉ với 5.000m2 đất trồng lúa được cha mẹ cho. Theo anh Bằng, làm lúa thời điểm đó thu nhập bấp bênh nên gia đình không khỏi cảnh thiếu trước hụt sau. Là trụ cột trong gia đình, không thể để cuộc sống nghèo khó mãi được, anh quyết tâm vươn lên thoát nghèo từ chính mảnh đất quê hương. Và bước chuyển mình đầu tiên là mạnh dạn chuyển đổi 5.000m2 đất lúa sang trồng cây ăn trái.
“Thời điểm đó, vợ chồng tôi không chỉ làm ngày, làm đêm trên đất nhà mà còn làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Tiền dành dụm được bao nhiêu tôi để dành mua đất hết. Bởi với diện tích nhỏ lẻ mình không thể làm giàu được. Thế là đất nhà tôi cứ nở dần, nở dần và bây giờ tôi có tổng cộng 5ha” - anh Bằng kể. Với diện tích đất hiện có, anh dành khoảng 3ha đất trồng cây ăn trái và 2ha đất cho người khác thuê làm lúa.
Cùng với việc mở rộng diện tích, anh Bằng còn miệt mài học kiến thức về trồng và chăm sóc cây ăn trái thông qua các buổi tập huấn. Anh tham gia câu lạc bộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn của địa phương, học được cách bón phân, xử lý cây ra hoa nghịch vụ. Anh cũng tiến hành nạo vét mương trong vườn để trữ nước ngọt, chủ động nước tưới cho vườn cây trong mùa khô. Anh mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun giúp giảm chi phí chăm sóc, tiết kiệm nước và tăng lợi nhuận.
Một điểm nhấn trong vườn cây ăn trái của anh Bằng là hình thức trồng xen canh độc đáo. Theo anh Bằng, vườn nhà anh có 1ha vườn măng cụt trồng xen canh với 500 cây mít ruột đỏ. Măng cụt là loại cây dễ trồng, thuận tự nhiên nên không cần đầu tư nhiều phân bón và công chăm sóc. Hơn nữa, loại trái này rất được thị trường ưa chuộng, bẻ xuống bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu. Với mức giá ổn định, anh thu hàng trăm triệu mỗi năm. Về cây mít ruột đỏ trồng xen măng cụt cũng cho thu hoạch được 2 năm, cho lợi nhuận 230 triệu đồng/năm.
Với niềm đam mê nông nghiệp và bản tính ham học hỏi, tiếp cận cái mới anh Bằng còn trồng chuyên 1.000m2 cây vú sữa Hoàng Kim có độ tuổi 2-3 năm. Từ mảnh vườn này, anh Bằng không ngừng nhân giống vú sữa Hoàng Kim và cho trồng xen với bưởi ruby với diện tích khoảng 4.000m2 và cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm từ bán vú sữa Hoàng Kim. Gần đây, anh mở rộng thêm khoảng 1ha mít ruột đỏ trồng xen vú sữa Hoàng Kim.
Vào sâu vườn nhà anh Bằng, không chỉ măng cụt, mít ruột đỏ, vú vữa Hoàng Kim, anh còn trồng gần 1ha nhãn Ido và giống nhãn Hưng Yên. Hiện nay vườn nhãn đã 3 năm tuổi, với giá bán cho thương lái từ 15.000-20.000 đồng/kg, anh có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Khi hỏi về đặc tính từng loại cây trong vườn, anh Bằng nói rành rọt, hiểu thấu từng cây như “những đứa con trong nhà”. “Cây nhãn tuy trồng được, giá bán tốt nhưng nặng phân thuốc và tốn công chăm sóc. Măng cụt là cây trồng theo quy trình sạch hoàn toàn, vị chua ngọt đặc trưng nên rất dễ bán. Vú sữa Hoàng Kim có tiềm năng kinh tế cao, mỗi năm chỉ bón phân vài lần, song phải chú ý tỉa cành, tạo tán thông thoáng nhằm phòng trừ các loài sâu bệnh. Riêng cây mít ruột đỏ là loại cây tôi mê nhất. Loại cây này dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật đơn giản nên nếu thuê nhân công làm cũng không cần phải hướng dẫn nhiều lại có giá bán cao và ổn định” - anh Nguyễn Việt Bằng chia sẻ.
Ngoài ra vườn cây ăn trái đổ bao tâm huyết, anh Bằng còn có cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu nhập khoảng nửa tỉ đồng mỗi năm. Như vậy, mô hình kinh tế vườn và cơ sở buôn bán đã đem lại lợi nhuận cho anh Bằng hơn 1 tỉ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, anh Bằng còn thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Nguyễn Việt Bằng đã được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Khi kinh tế gia đình ngày một khá giả, anh Bằng bắt đầu nghĩ đến việc đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cộng đồng. Cụ thể, anh đã hiến tặng 2.200m2 đất để xây trường học (Trường Tiểu học Phan Văn Năm) và làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Anh Bằng cho biết: “Phần đất làm trường tiểu học trước đây trồng bưởi, khi đốn bỏ cũng uổng lắm nhưng tôi vẫn vui vẻ. Bởi nếu trường không xây ở đây thì phải dời hơn cây số rất bất tiện cho việc học của tụi nhỏ. Còn việc làm đường giao thông thì khỏi phải nói, “ích nước, lợi nhà” nên gia đình tôi sẵn sàng ủng hộ. Nhờ giao thông thông suốt mà việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, nông dân mình bán nông sản có giá hơn”.
Khi hỏi về định hướng trong tương lai, anh Bằng cười nói: “Mình là nông dân rặt lại rất thích làm nông nghiệp nên sẽ tiếp tục gắn bó, vươn lên với nghề nông. Tuy nhiên, làm nông giờ khác xưa nhiều lắm nên lúc nào mình cũng phải linh hoạt, nhạy bén, không ngừng cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới. Từ đó, mới có thể cho ra sản phẩm được thị trường chấp nhận, mang lại hiệu quả kinh tế cao và làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình”.
Bài, ảnh: MỸ THANH