23/04/2019 - 10:31

Xử trí khẩn cấp dị vật đường thở 

Các thầy thuốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ hướng dẫn người dân cách xử trí khẩn cấp khi gặp dị vật đường thở.

Dị vật đường thở gây tắc đường thở, khó thở có thể dẫn đến tử vong ngay tức khắc, cần phải được xử trí khẩn cấp...

Vào tháng 2-2019, Bệnh viện Tai Mũi Họng (BV TMH) TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhi bị nghi ngờ hóc dị vật đường thở, được chuyển đến từ Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Đó là trường hợp bé trai  N.T.K 11 tháng tuổi, nhập viện vì khàn tiếng, chảy nước dãi liên tục sau khi ăn cháo với cá lóc và lươn. Khi chuyển đến nhập viện tại BV TMH TP Cần Thơ, khai thác kỹ triệu chứng bệnh, các bác sĩ phát hiện bé có dấu hiệu “hội chứng xâm nhập” - tím tái, khó thở, hốt hoảng, không khóc thành tiếng, xuất hiện khi đang ăn cháo. Người nhà có dùng tay đưa sâu vào miệng thì trẻ nôn ói và hết tím tái nhưng kèm khàn tiếng và chảy nước dãi nhiều.

Các bác sĩ đã hội chẩn, thăm khám kỹ lâm sàng, cận lâm sàng, chỉ định chụp CT Scan cổ ngực và nội soi khí phế quản ảo nhằm khảo sát rõ vị trí dị vật để tiến hành nội soi lấy dị vật. Bệnh nhi sau đó được đưa lên phòng mổ và tiến hành nội soi lấy dị vật. Sau soi, các bác sĩ đã lấy dị vật là mảnh nghi mang xương cá, kích thước 1cm x 1cm, cắm chặt vào mép trước dây thanh. Sau khi điều trị tại bệnh viện, bệnh nhi đã hết khàn tiếng, ăn uống trở lại bình thường và xuất viện.

Dị vật đường thở là khi có ngoại vật lọt vào đường thở gây các biểu hiện ho sặc sụa, khó thở, tím tái. Trung bình hàng năm, BV TMH TP Cần Thơ tiếp nhận khoảng 2-3 ca, thường xảy ra ở trẻ em, người lớn hiếm gặp. Dị vật hữu cơ thường gặp là cháo, thạch, rau câu, hạt... Trên 80% dị vật đường thở ở trẻ em là các loại hạt. Dị vật vô cơ như đồ chơi, đầu bút bi, pin...

Thạc sĩ, bác sĩ Thái Thị Thùy Dung, BV TMH TP Cần Thơ, cho biết: Hội chứng xâm nhập khởi phát đột ngột khi đang ăn hoặc chơi thì có biểu hiện ho sặc sụa, hốt hoảng, có dấu hiệu khó thở, tím tái. Một số trường hợp, bệnh nhân nghẹn lại không thể nào ho được cũng như không đáp trả các câu hỏi. Có hai trường hợp xảy ra khi hóc dị vật đường thở, đó là dị vật gây tắc nghẽn đường thở toàn bộ hoặc tắc nghẽn một phần.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thái Thị Thùy Dung, khi tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, ôxy không lên được não sau 6 phút, hoặc kéo dài đến 10 phút sẽ dẫn đến não bị tổn thương, chết thực thể. Khi đó, dù đến bệnh viện lấy dị vật ra, chưa chắc bệnh nhân sống bình thường mà có thể phải sống thực vật. Vì thế, thời gian vàng để cấp cứu là 4-6 phút. Đối với trường hợp còn lại, bệnh nhân ban đầu cũng sẽ có biểu hiện hội chứng xâm nhập, nhưng khi dị vật lọt qua chỗ hẹp đường thở và không gây tắc nghẽn hoàn toàn thì bệnh nhân không còn dấu hiệu khó thở, tím tái thay vào đó sẽ có một số dấu hiệu như: lên cơn co thắt, khó thở (khi có kích thích), ho, khò khè, viêm phổi tái đi tái lại dù điều trị nội khoa tích cực, lúc này nên nghi ngờ có dị vật đường thở bỏ quên.

Để phòng tránh nguy cơ mắc dị vật, nên ăn chậm, nhai kỹ và chỉ nuốt khi nào không thấy xương trong miệng; chú ý cách chế biến thức ăn: không chặt thịt gà, thịt vịt từng mảnh nhỏ lẫn xương mà phải để nguyên miếng lớn hoặc gỡ thịt ra khỏi xương. Đối với trẻ em, không nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc như hạt đậu phộng, hạt bí, hạt dưa, hướng dương…; không cho trẻ chơi, ngậm mút các vật nhỏ và đồ chơi nhỏ. Để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là những vật dụng nhỏ; không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc nô đùa. Khi trẻ khóc, ép trẻ ăn sẽ gây sặc cơm/cháo vào đường thở. Lúc này, bé sẽ phản ứng lại bằng phản xạ co thắt thanh quản để không cho dị vật đi vào, biểu hiện phản xạ ho, khó thở, tím tái. Một số ít trẻ, nếu phản xạ co thắt quá mạnh, không giảm có thể dẫn đến tử vong nếu không sơ cứu kịp.

Cách xử trí hóc dị vật đường thở

Nếu người mắc dị vật ho vẫn còn hiệu quả (ho lớn tiếng), tỉnh táo, chúng ta chỉ quan sát khuyến khích cố gắng ho tống dị vật ra ngoài.

Khi bệnh nhân ho không hiệu quả (ho rất yếu) nhưng vẫn còn ý thức, tỉnh táo, môi hồng, thì đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, chúng ta tiến hành thao tác vỗ lưng, ấn ngực như sau: Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cánh tay người cấp cứu, đầu thấp, người cấp cứu giữ chặt đầu và cổ trẻ, dùng gót bàn tay còn lại vỗ nhanh 5 cái lên lưng trẻ (vùng giữa hai xương bả vai). Nếu dị vật không bật ra, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi ở tư thế đầu thấp và ấn ngực 5 lần. Đối với trẻ lớn hơn hoặc người lớn, đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy bụng trẻ. Đặt 1 nắm tay vùng thượng vị ngay đầu dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên. Giật tay lên thật mạnh và đột ngột ấn mạnh nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên. Động tác này phải thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.

Khi bệnh nhân mất ý thức phải gọi cấp cứu ngay và thực hiện hồi sức tim, phổi, hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết