11/12/2007 - 12:07

Tìm hiểu về bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Biểu hiện của bệnh đa dạng: sốt không đặc hiệu, viêm loét miệng, viêm họng, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, gây tổn thương tế bào biểu mô, niêm mạc, tổ chức lympho đường tiêu hóa. Các biến chứng thường gặp: viêm não màng não, viêm cơ tim.

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra trong thời điểm giao mùa, từ mùa nắng sang mùa mưa. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa; hoặc trẻ lây trẻ qua tay cầm nắm; hoặc người chăm sóc tiếp xúc với phân; lây qua miệng hoặc qua thức ăn, nước uống, đồ chơi, vật dụng bị nhiễm Enterovirus.

Bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện lâm sàng: sốt nhẹ 38oC đôi khi có sốt cao 39oC- 40oC; trẻ mệt, chán ăn, bú kém hoặc bỏ bú. Sau 24 giờ- 48 giờ, xuất hiện sang thương bóng nước đường kính từ 2- 3 mm ở niêm mạc miệng, vỡ nhanh, tạo vết loét trong má miệng, trên lưỡi, vòm miệng khiến người bệnh bị đau khi bú, khi ăn, tăng nước bọt, chảy nước miếng. Bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân không gây ngứa, có thể gồ lên xen kẽ với hồng ban. Lúc đầu, bóng nước trong sau đó vỡ ra lành không gây sẹo. Đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng nổi hạt ở bên cổ, sổ mũi, ho, tiêu chảy.

Bệnh thường khỏi sau 1 tuần, một số ít có biến chứng viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim. Đáng sợ nhất là viêm não vì khó phát hiện sớm và bệnh diễn tiến nhanh. Dấu hiệu của biến chứng viêm não là trẻ bị rối loạn thần kinh, quấy khóc li bì, yếu chân tay, co giật, hôn mê... Bệnh diễn tiến rất nhanh, trẻ có thể tử vong trong 24 giờ- 48 giờ. Trường hợp khỏi bệnh thường để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Bệnh tay chân miệng thể nhẹ là bệnh chỉ có dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, bóng nước tay chân miệng, không có dấu hiệu thần kinh. Với bệnh nhẹ, có thể chăm sóc điều trị tại nhà; trẻ sẽ phục hồi sức khỏe sau 1 tuần. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng hoặc có dấu hiệu rối loạn thần kinh, cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng ngừa. Để hạn chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng viêm não, màng não, nên thực hiện tốt: vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, vệ sinh môi trường nhà ở, cộng đồng. Ở nhà trẻ mẫu giáo, rửa tay thường xuyên, giữ sạch đồ chơi của trẻ và không cho trẻ bú tay; xử lý tốt chất thải, phân, nước, rác, sát trùng nước sinh hoạt.

TS. BS LÊ HOÀNG SƠN
(Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết