26/10/2024 - 07:21

Phép thử cho đảng cầm quyền Nhật Bản 

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 50 của Nhật Bản, diễn ra vào ngày mai 27-10, được xem là thách thức khó khăn nhất trong hơn một thập kỷ qua đối với đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba. Bởi kết quả có khả năng buộc LDP phải tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước.

Hình ảnh các ứng viên tranh cử Hạ viện Nhật Bản được giới thiệu ở thủ đô Tokyo.  Ảnh: AP

LDP đã liên tục chiếm thế đa số tại Hạ viện Nhật Bản kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012. Nhưng sự bất mãn xoay quanh bê bối gây quỹ chính trị của LDP và chi phí sinh hoạt tăng cao tại đất nước Mặt trời mọc đang đe dọa vị thế của đảng cầm quyền. “Sự tức giận của công chúng vẫn chưa lắng xuống. Cuộc bầu cử sẽ rất sít sao đối với LDP”, Giáo sư chính trị học Tomoaki Iwai tại Đại học Nihon nhận định.

Khảo sát công bố hôm 21-10 ​​của báo Asahi cho thấy LDP có thể mất tới 50 ghế trong số 247 ghế hiện có tại Hạ viện, trong khi đảng liên minh Komeito có thể còn ít hơn 30 ghế. Điều này có nghĩa là liên minh LDP - Komeito có thể không có đủ 233 ghế cần thiết để giành được thế đa số và thành lập chính phủ. Tuy LDP được dự đoán sẽ dễ dàng tiếp tục là lực lượng lớn nhất trong quốc hội, nhưng nhiều phiếu bầu có thể thuộc về đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng đối lập từng thắng LDP vào năm 2009. Theo ước tính của Asahi, CDPJ có thể giành được 140 ghế.

Các nhà phân tích nhận định rằng CDPJ sẽ giành được thắng lợi đáng kể, nhưng không đủ để thay đổi chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, LDP vẫn là đảng số 1 trong khối cầm quyền. Đảng cầm quyền cũng đã xây dựng được sức mạnh hỗ trợ to lớn thông qua mạng lưới các quan chức, doanh nghiệp và lãnh đạo khu vực. 

Mặc dù có sự phân rã rõ rệt trong cục diện chính trị tại Nhật Bản, nhưng ưu thế được cho là vẫn thuộc về LDP. Kể từ khi được thành lập vào năm 1955 (thông qua sự hợp nhất của 2 đảng bảo thủ lớn là đảng Tự do và đảng Dân chủ Nhật Bản), LDP đã thống trị nền chính trị đất nước thời hậu chiến. Đảng này cầm quyền liên tục, trừ 2 nhiệm kỳ ngắn ngủi vào các năm 1993-1994 và 2009-2012. Cả 2 lần gián đoạn quyền lực của LDP đều theo sau các vụ bê bối hối lộ. Kể từ khi giành lại quyền lực vào năm 2012, LDP và đối tác Komeito đã giành chiến thắng 6 cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp. 

Bên cạnh đó là hệ thống bầu cử hiện tại của Nhật kết hợp các khu vực bầu 1 ghế với đại diện theo tỷ lệ. Điều đó có nghĩa ứng viên LDP chỉ phải đối mặt với đối thủ đối lập, thay vì cạnh tranh với các ứng viên cùng đảng. Điều này cho phép LDP tập trung các nguồn lực chính trị vào 1 ứng viên của mình tại mỗi khu vực bầu cử. LDP cũng nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức công nghiệp, ngư nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các nhóm tôn giáo.

Hơn nữa, khác với cục diện hồi năm 2009, các cử tri hiện tại không mấy quan tâm đến việc loại bỏ LDP. Đơn cử, Taizo Yoshida, một nhân viên văn phòng 45 tuổi, cho biết ông không muốn thay đổi chính phủ và hy vọng Thủ tướng Ishiba sẽ thúc đẩy cải cách trong nước. “Tôi không nghĩ phe đối lập có khả năng điều hành chính phủ”, ông Yoshida nói. Đồng quan điểm này, chuyên gia phân tích chính trị Rintaro Nishimura tại tổ chức Asia Group cũng nhận định rằng LDP có thành tích thực hiện được nhiều việc hơn cho Nhật Bản, trong khi vẫn còn quá nhiều điều không chắc chắn về những gì phe đối lập có thể làm.

NGUYỆT CÁT (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết