26/10/2024 - 16:01

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ðánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 

(TTXVN) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý), một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt hơn 85% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200.000 tỉ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỉ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỉ USD... Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%.

Bên cạnh đó là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực. Ðồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân; tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ...

Trong phiên họp chiều 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ðiện lực (sửa đổi).

PV

 

Chia sẻ bài viết