23/11/2024 - 17:45

Vai trò khả dĩ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu 

Tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29), vừa diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, Trung Quốc được thúc giục phải tăng cường trách nhiệm trong vấn đề tài chính khí hậu. Ðiều đó đặt ra mối quan tâm về vai trò khả dĩ của nước này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một nhà máy điện quang ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Sự kỳ vọng đặt vào Trung Quốc

Nhiệm vụ chính của COP29 lần này là đảm bảo thỏa thuận về tài chính khí hậu có tên gọi Mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính khí hậu (NCQG). Ðược xây dựng dựa trên cam kết hồi năm 2009 của các nước phát triển tại COP15, NCQG nhằm cung cấp khoản tài chính khí hậu 100 tỉ USD/năm giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Cam kết này sẽ hết hạn trong năm 2024.

Trong khi đó, các nhà kinh tế hàng đầu ước tính rằng vào cuối thập kỷ này, các nước đang phát triển sẽ cần ít nhất 1.000 tỉ USD mỗi năm để giúp giảm lượng khí thải và ứng phó với tác động của thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Cho đến nay, các nước phát triển - bao gồm Thụy Sĩ và Canada - đã thông qua COP29 đề xuất mở rộng cơ sở đóng góp, huy động thêm nhiều quốc gia tham gia tài chính khí hậu. Còn các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Hàn Quốc (vốn không nằm trong cam kết 100 tỉ USD/năm của COP15) đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là có khả năng và có trách nhiệm đóng góp đáng kể hơn cho tài chính khí hậu. Ðược biết, về mặt kỹ thuật, Liên Hiệp Quốc vẫn xếp Trung Quốc vào nhóm nước đang phát triển dù cường quốc châu Á này là đã một nền kinh tế lớn trên thế giới.

Sự kỳ vọng trên được đặt vào Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Donald Trump sắp tới ở Mỹ có thể rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và theo đó nước này sẽ cắt giảm các khoản đóng góp cho các dự án bảo vệ môi trường trên thế giới.

Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia tâm điểm chú ý về vấn đề tài chính khí hậu toàn cầu. Vì là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, các nhà đàm phán đang thúc giục Trung Quốc gửi đi tín hiệu tích cực bằng cách đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải tham vọng hơn, cũng như tăng cường trách nhiệm về tài chính khí hậu. Song, đại diện của Trung Quốc tại COP29 tuyên bố rằng nước này sẽ chỉ tiếp tục thực hiện các cam kết tự nguyện về tài chính khí hậu.

Cơ sở để Trung Quốc nêu cao trách nhiệm

Dẫu vậy, Trung Quốc đang nổi lên như một nhà tài trợ quan trọng về tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển. Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), kể từ khi triển khai sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” vào năm 2013, Trung Quốc đã đóng góp khoảng 3,8 tỉ USD/năm trong tài chính khí hậu giúp cho các nước đang phát triển, thông qua các cơ chế tài chính song phương, đa phương và khu vực. Ðến năm 2021, nước này đã đóng góp tổng cộng 34,3 tỉ USD cho tài chính khí hậu toàn cầu. Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), sự đóng góp đó đưa Trung Quốc ngang hàng với Anh, trở thành nhà cung cấp tài chính khí hậu lớn thứ 5 thế giới, sau Nhật Bản, Ðức, Mỹ và Pháp.

Nguồn tài chính khí hậu của Trung Quốc chủ yếu dành cho các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Nghiên cứu của CGD cho thấy khoảng 50% số đóng góp đó được đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, tiếp theo là giao thông, cấp nước và vệ sinh. Trong lĩnh vực năng lượng, các dự án quang điện chiếm 39%, tiếp theo là các dự án thủy điện và gió lần lượt chiếm 25% và 16%. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng tái tạo của Trung Quốc chiếm 1/3 tổng đầu tư trên toàn thế giới.

Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng liên tục giúp các nước đang phát triển khác giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua cơ chế “Hợp tác Nam - Nam”. Ðây là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển. Ông Zhao YingMin, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, cho biết chính phủ đã ký 53 Biên bản ghi nhớ hợp tác Nam - Nam về biến đổi khí hậu với 42 nước đang phát triển và đã đào tạo cho hơn 10.000 nhân sự từ hơn 120 quốc gia.

Tuy vậy, Trung Quốc hiện thiếu hệ thống theo dõi và công bố thông tin về tài chính khí hậu. Bà Liu Shuang, giám đốc Chương trình Tài chính Trung Quốc tại WRI giải thích: “Thách thức nằm ở việc hạch toán các khoản tiền từ nhiều kênh khác nhau. Trung Quốc hiện thiếu cơ chế phối hợp và báo cáo đã được thiết lập, cũng như không có bộ phận chính phủ nào được ủy quyền đảm nhận trách nhiệm này”.

NGUYỆT CÁT (Theo Dialogue Earth, DW)

Chia sẻ bài viết