Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 vừa kết thúc, tác giả Phạm Văn Đằng ghi dấu ấn với những kịch bản chỉn chu, sáng tạo. Chia sẻ với phóng viên Báo Cần Thơ, tác giả Phạm Văn Đằng cho biết thêm:
- Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, tôi có 4 vở được các đơn vị dàn dựng, tham gia liên hoan, gồm: "Khúc tráng ca thành Gia Định"; "Hào kiệt Lam Sơn"; "San hô đỏ" và "Đời hoa Rumdul". Ngoài "San hô đỏ", 3 kịch bản còn lại đều được lấy cảm hứng từ lịch sử nước ta. Riêng vở "San hô đỏ" ca ngợi những người lính hải quân anh dũng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi chuyển thể từ kịch bản văn học của nhà văn Bích Ngân và đã đoạt Huy chương Vàng vở diễn tại liên hoan.
* Vì sao anh chọn đề tài lịch sử để viết cải lương, mong muốn của anh là gì?
- Trong quá trình sáng tác, tôi phát hiện, những vở cải lương đề tài lịch sử đã vắng bóng trên sân khấu nhiều năm qua. Trong khi đó, thể tài này rất hấp dẫn và đã từng có những vở rất thành công, được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt như "Tiếng trống Mê Linh"; "Thái hậu Dương Vân Nga"… Từ tình yêu sân khấu, từ tấm lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, tôi chọn khai thác đề tài lịch sử để sáng tác với mong muốn nhắc nhớ, vinh danh các vị anh hùng dân tộc, đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng thêm thể tài trên sân khấu cải lương. Để qua đó, cải lương có thể tiếp cận được đa dạng đối tượng khán giả, nhất là khán giả trẻ, học sinh, sinh viên.
Cảnh trong vở "Khúc tráng ca thành Gia Định". Ảnh: DUY KHÔI
* Là người trẻ khai thác đề tài lịch sử để viết cải lương, anh gặp khó khăn và thuận lợi gì?
- Thuận lợi lớn nhất là chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Chỉ cần một "cú nhấp chuột" với vài từ khóa, có thể dễ dàng tìm kiếm những tài liệu mà chúng ta cần. Thuận lợi nhưng đồng thời cũng là khó khăn. Vì có quá nhiều thông tin nên buộc ta phải sàng lọc, đảm bảo thông tin chính xác.
Ngoài ra, việc tìm "đầu ra" cho những kịch bản cải lương đề tài lịch sử cũng khó khăn. Hiện nay, số lượng các đơn vị nghệ thuật công lập chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, kế hoạch dàn dựng hằng năm của mỗi đơn vị nhiều lắm cũng chỉ là 2 vở, trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập chưa "mặn mà" lắm với thể tài này. Nếu viết mà không có nơi sử dụng thì xem như công trình nghệ thuật của tác giả (có khi mất cả năm hoặc ít nhất cũng 6 tháng) sẽ bị xếp vào ngăn tủ và tiếp tục đợi chờ cơ hội…
* Theo anh, cải lương nói chung, cải lương đề tài lịch sử nói riêng, hiện nay cần làm gì để hấp dẫn khán giả, nhất là người trẻ?
- Theo quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta nên quan tâm hơn về chất lượng vở diễn, từ kịch bản, nghệ sĩ đến âm nhạc, cảnh trí, phục trang… Xã hội phát triển, dân trí được nâng cao, khán giả ngày nay xem cải lương không chỉ bằng cảm tính mà bằng cả lý tính, nghĩa là, khán giả phân tích, nhận xét, đánh giá… rất thấu đáo.
Bản thân cải lương là luôn luôn đổi mới để trở nên tốt đẹp hơn, cho nên khi xã hội thay đổi, bắt buộc cải lương phải thay đổi. Tư duy người làm cải lương cũng phải thay đổi để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội. Nhưng cũng cần lưu ý là đổi mới nhưng vẫn đảm bảo giữ được "hồn cốt", những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương. Khi tác phẩm đạt được những tiêu chí trên thì chắc chắn, khán giả sẽ đến rạp hát ngày càng đông hơn.
* Xin cám ơn anh!
ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)