Bài, ảnh: Trần Kiều Quang
Thành Hoàng cổ miếu (ảnh), còn gọi là chùa Minh, được xây dựng cách nay hơn trăm năm, tọa lạc tại đường Ðiện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ngôi miếu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2000.
Thành Hoàng cổ miếu được xây dựng vào năm Ất Sửu (1865), thuộc làng Vĩnh Hương nên ban đầu có tên là chùa Vĩnh Hương. Năm 1890, làng Vĩnh Hương cùng với các làng Vĩnh Hinh, An Trạch, Tân Hưng sáp nhập lại gọi là làng Vĩnh Lợi và năm 1895 ngôi miếu này được trùng tu lại. Sau khi trùng tu, ngôi miếu được tận dụng làm trụ sở cho hội tương tế người Minh Hương nên lúc bấy giờ Thành Hoàng cổ miếu có tên là Vĩnh Triều Minh Hội quán, người dân địa phương còn gọi là chùa Minh.
Thành Hoàng cổ miếu có kiến trúc hình chữ Quốc, có cổng hướng ra sông Bạc Liêu, cửa chính là những cột đá xanh chạm khắc rất công phu và tinh xảo hình ảnh rồng, hạc, mây… Mái chùa lợp ngói âm dương với ba lớp. Mái giữa nhô cao hơn hai mái hai bên. Trên mái nóc có tượng lưỡng long tranh châu. Xung quanh bờ nóc có nhiều hình vẽ hoa lá, chim muông. Các góc mái có trang trí hoa văn hình sóng uốn lượn. Mặt trước của ngôi miếu có vẽ nhiều bức tranh phong cảnh, hoa văn trực tiếp lên vách, với nhiều màu xanh kết hợp làm cho mặt tiền ngôi miếu nổi bật. Trên các thanh xà ngang ở mái hiên có đắp nổi hình tôm, cua - những con vật có nhiều ở đây và gắn bó mật thiết với cư dân Bạc Liêu. Sau mái hiên là giếng trời, được bố trí khoảng không rất rộng dùng lấy ánh sáng cho toàn bộ ngôi miếu. Tiếp giáp với giếng trời về bên trong chính là gian thờ chính của ngôi miếu.
Gian chính điện được bài trí trang nghiêm. Chính giữa gian chính điện là khánh thờ thần Thành Hoàng. Khánh thờ được chạm trổ công phu, khéo léo, với những mảng chạm lộng rất tinh xảo. Trong khánh thờ là tượng Thành Hoàng. Ðặc biệt phía trước khánh thờ này là một chiếc bàn dài bằng gỗ quý, chính giữa bàn để một lư đồng cao khoảng 70cm. Ðây là loại lư mắt tre quý hiếm ở Việt Nam. Phía trên khánh thờ còn có một bức hoành phi to lớn viết bốn chữ “Quang minh chính trực”, thể hiện sự vô tư, trong sáng của vị thần trong việc ban phước cho người dân.
Dù được thờ trong chùa, miếu của dân tộc Hoa hay trong đình làng của người Việt, thì tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng ở Nam Bộ nói chung, ở Bạc Liêu nói riêng, có nhiều điểm khác so với ở Trung Quốc: “Cũng khởi thủy từ nhiên thần rồi dần dần được nhân hóa, nhưng tín ngưỡng Thành Hoàng của người Việt được hình thành và phát triển trên cơ sở trân trọng, biết ơn tiền nhân, những người có công với làng, với nước, với dân trong việc chống giặc giữ nước, bảo vệ, giúp dân khi bị dịch, tai biến…”(1). Nói cách khác, tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng ở nước ta chủ yếu mang tính cố kết cộng đồng, tri ân tiền nhân.
Bên phải khánh thờ Thành Hoàng (nhìn từ ngoài vào) là khánh thờ Bà Thiên Hậu. Ở hai bên tượng Bà Thiên Hậu còn có tượng của Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Bà Thiên Hậu hay còn gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu được xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương buôn trong cuộc mưu sinh của họ. Bà thường hiển linh trợ giúp kịp thời những tàu, thuyền mỗi khi gặp sóng to gió lớn, phù hộ cho dân chài có được cuộc sống an lành, hạnh phúc. Bên trái khánh thờ Thành Hoàng là khánh thờ Thổ Thần: “Ðối với các cư dân nông nghiệp, cũng như đối với đồng bào Hoa có nguồn gốc là nông dân, Thần Ðất chính là vị thần đem lại của cải, sự giàu có, thịnh vượng, hạnh phúc và sự bình yên cho con người”(2).
Ðối diện với khu vực thờ chính, ở khu vực tiền điện còn có bàn thờ của các vị Tiền Hiền, Kế Hiền - những vị có công trong việc xây dựng và tu bổ cho ngôi miếu.
Ngoài các khánh thờ, trong miếu còn có nhiều hoa văn, họa tiết khác: các hoa văn chạm khắc hình thú, hoa lá, cây cảnh và những bức bích họa về các vị thần tiên, cùng nhiều hoành phi, câu đối... Các hoa văn, họa tiết, hoành phi, câu đối này không chỉ làm cho ngôi miếu thêm phần rực rỡ, trang nghiêm mà chúng còn là những thông điệp, ngụ ý, ước mong… mà các bậc tiền nhân muốn gửi gắm vào đó.
Thành Hoàng cổ miếu có rất nhiều ngày cúng trong năm: lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu vào 23 tháng 3 âm lịch, vía Phước Ðức Bá Công ngày 29 tháng 3 âm lịch, cúng ngày Thành Hoàng Ðản Sanh 11 tháng 5 âm lịch, lễ Vu Lan 14 tháng 7 âm lịch, cúng Tiền Hiền ngày 18 tháng 12 âm lịch và cúng vào các ngày mùng một và rằm hằng tháng.
Tính đến nay, Thành Hoàng cổ miếu có tuổi đời đã trên 150 năm. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài nhưng Thành Hoàng cổ miếu vẫn giữ được nhiều hạng mục có giá trị như các hiện vật, đường nét kiến trúc… Thành Hoàng cổ miếu không chỉ là chốn sinh hoạt tâm linh để người dân Bạc Liêu và cư dân quanh vùng tới lui cầu mong sức khỏe, bình an mà đây còn là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giữa ba dân tộc Việt - Hoa - Khmer. Ðồng thời, ngôi cổ miếu này cũng là một điểm tham quan hấp dẫn của du khách gần xa mỗi khi đến du lịch tại Bạc Liêu.
---------------------
(1) Nguyễn Hữu Hiếu (2004), “Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ”, NXB Trẻ, tr.33.
(2) Nguyễn Xuân Nghĩa (1984), “Ý nghĩa xã hội của các tín ngưỡng cộng đồng ở người Hoa vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, in trong cuốn “Mấy đặc điểm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long”, Viện Văn hóa, tr.195.