Trần Kiều Quang
Trang sức không chỉ để làm đẹp cho người đeo mà trong quan niệm dân gian đó còn là tài sản, của phòng thân, của để dành của mỗi người. Ngoài ra, trang sức còn là vật dùng trong nghi lễ, phong tục, chẳng hạn trong hôn nhân. Bài viết này xin cùng bạn đọc bước đầu tìm hiểu quan niệm, tập quán dân gian nói chung và ở Nam Bộ nói riêng về trang sức.

Phụ nữ Cần Thơ trong trang phục, trang sức truyền thống ngày Tết. Ảnh: DUY KHÔI
Từ thời tiền sử, người Việt đã biết sử dụng vỏ sò, xương thú… để làm đồ trang sức. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trang sức chủ yếu được xem như bùa hộ mệnh, vật trung gian để cầu xin các thế lực siêu nhiên ban cho sự bình an, sung túc. Dần về sau, trang sức mới mang thêm chức năng làm đẹp. "Vào buổi đầu thời đại đồ đá mới, trong nền văn hóa Hòa Bình (cái nôi của nền văn hóa này nằm ở miền Bắc Việt Nam và sự phân bố của nó trải rộng khắp Ðông Nam Á), có niên đại khoảng 11.000 năm đến 7.000 năm cách đây, ở Việt Nam đã tìm được những đồ trang sức thật sự đầu tiên của người nguyên thủy. Ðó chính là nơi những chuỗi vòng xâu từ các vỏ sò ốc, hột hạt, xương nanh thú động vật được xác định là những di vật có sớm nhất của loại hình trang sức trong thời đồ đá mới, được tìm thấy ở Hang Bưng, Hòa Bình... Ngoài các chất liệu bằng xương, sừng động vật, họ còn lấy cả đá - các loại đá có màu sắc tự nhiên như đá xanh, đá trắng, vàng, xám... để làm đồ trang sức. Tất cả những chuỗi dây đeo cổ, vòng đeo tay thuở ban đầu đó được dùng với mục đích tâm linh - làm bùa hộ mệnh bảo vệ người đeo nó trước thiên nhiên hùng mạnh và thú dữ rình rập. Ðồng thời, thể hiện sự mong cầu phù trợ của thần linh cho con người săn bắt, hái lượm được nhiều, ước mong cho sự sinh sôi, nảy nở. Và từ đó, sự manh nha nhu cầu trang trí cho bản thân con người được xuất hiện"(1).
Ngoài việc mang thêm chức năng làm đẹp, chất liệu của các loại trang sức cũng thay đổi theo thời gian. Lúc đầu, chất liệu dùng để chế tác trang sức là xương thú, vỏ ốc, vỏ sò, sau này được thay thế bằng đồng, bạc, rồi vàng. Các chất liệu kim loại này vừa bền lại đẹp hơn.
Ở Nam Bộ, trang sức của phái nữ chủ yếu có trâm, móc tai, bông tai, khoen, vòng, dây chuyền, nhẫn… Nam giới thì đeo dây chuyền và nhẫn là chủ yếu.
.webp)
Một nhóm nghệ nhân đờn ca tài tử trong trang phục, trang sức truyền thống. Ảnh: DUY KHÔI
Trâm cài tóc có hai loại, là trâm rung và trâm bươm bướm. "Trâm rung là cây trâm ở phía trước mặt có những sợi dây kim loại nhỏ thả tòn ten, khi gắn vào đầu tóc mà người mang cử động thì nó hơi rung rung. Trâm bươm bướm là cây trâm đứng y một chỗ nhưng mặt trâm làm giống hai cánh bướm" (2). Cài trâm trên đầu ngoài việc giữ cho nếp mái tóc ngay ngắn còn giúp tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng cho phái nữ:
"Chiều trông về núi Tô Châu
Thấy em gánh nước trên đầu giắt trâm
Trâm đồi mồi, tóc em em giắt
Mắt anh nhìn, thương thiệt là thương".
Chiếc trâm đồi mồi là vật quý của xứ Hà Tiên lúc bấy giờ. Ðồi mồi còn có tên là rùa biển, lưng đồi mồi được bao bọc bởi mười ba miếng vẩy, vẩy đồi mồi là sản phẩm hiếm và quý. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, vẩy đồi mồi được chế tạo thành nhiều món trang sức hoặc vật kỷ niệm đẹp, có giá trị. Cũng như các đồ trang sức khác, trâm còn được làm bằng vàng, bạc... được dùng làm sính lễ:
"Má ơi! Con má chính chuyên
Ghe bầu đi nói một thiên
tiền đoài
Không tin mở hộp ra coi
Cây trâm ở dưới tiền đoài ở trên" (3).
Ngoài trâm, ngày trước người ta còn dùng móc tai để giắt tóc. "Móc tai luôn luôn bằng kim loại cứng như đồng, xi, bạc, sắt. Thuở xưa lúc đàn ông còn bới tóc thì nam nữ đều xài móc tai. Sau đó chỉ ai còn bới tóc mới xài móc tai"(4). Vì vậy ca dao Nam Bộ có câu:
"Em day cái đầu tóc
Anh giắt cái móc đồng
Mai sau em có lưu lạc
Ra ngã Ba Giồng gặp anh".
Trang sức phổ biến và có ý nghĩa trong cưới hỏi là bông tai. "Bông tai xưa thường được thợ bạc làm 2 kiểu: bông tai bèo gồm 6 tai bèo nhỏ làm thành mặt bông và bông búp - mặt bông trông giống cánh hoa sen sắp nở. Bông tai xưa thường bằng vàng (24 cara), có khi bằng cẩm thạch hoặc đồng, đôi khi bằng đá hoặc bằng huyền (miệt Hà Tiên đeo nhiều), giàu lắm mới sắm bông hột xoàn. Bông tai sau 1945 thêm loại mới gọi là bông tòn ten. Mặt bông thay đổi nhiều kiểu. Ngoài vàng y (24 cara), vàng Tây (18 cara) được giới trẻ ưa chuộng hơn. Bông kẹp cũng được dùng nhiều, nhất là giới trẻ và văn nghệ sĩ. Từ đó, bông có thể được làm bằng bạc, cao su, hóa chất, giấy, v.v... Và hầu như không còn ai đeo bông huyền nữa, ngoại trừ một hai bà già xưa ở thị xã Hà Tiên"(5).
Ðeo bông tai cho cô dâu gần như là nghi lễ bắt buộc trong hôn lễ ngày xưa. Gia đình chú rể dù nghèo cỡ nào cũng cố gắng sắm cho được đôi bông cho con dâu. Còn các thứ khác thì có thể bớt.
"Một mai thiếp có xa chàng
Ðôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin".
Tại sao đôi bông thì thiếp trả còn đôi vàng thiếp lại xin? Vàng ở đây có nghĩa rộng là chiếc vòng bằng vàng. Ðôi vàng là hai chiếc vòng bằng vàng đeo ở tay. Sở dĩ cô vợ ở đây phải trả lại đôi bông cho chồng vì đó là sính lễ do cha mẹ chồng cho con dâu nên khi cô gái không còn là dâu nữa thì phải trả lại cho cha mẹ chồng. Còn đôi vàng là do vợ chồng cùng làm ăn mới có tiền mua sắm nên nàng mới xin chồng cho mình được sở hữu.
Một trang sức thường dùng cho bé gái là khoen tai. Khoen tai chủ yếu dành cho bé gái tuổi còn nhỏ hoặc thiếu nữ đeo, chứ người lớn hiếm ai đeo khoen.
Trang sức ở cổ chủ yếu có dây chuyền và kiềng. Dây chuyền gồm 2 phần là sợi và mặt dây chuyền. Về phần sợi dây chuyền, thuở xưa sợi dây chuyền thường bằng vàng y; sau 1954 sợi dây chuyền bằng đủ loại kim khí (như vàng tây, bạc, vàng trắng...), có khi bằng đủ loại dây hóa chất.
Về phần mặt, thuở xưa dây chuyền có 2 kiểu là mặt lộng kiếng và mặt thường; sau 1954 mặt lộng kiếng càng ngày bị coi là cổ lỗ. Mặt dây chuyền xưa thường bằng vàng y, đôi khi bằng cẩm thạch hay huyền. Từ 1945 trở về sau, mặt dây chuyền bằng hột xoàn được coi là sang nhất; ngoài ra còn có mặt bằng bạc hay vàng tây, hoặc cẩn các hột kim cương màu sắc, chiếu lấp lánh gần như hột xoàn.

Bé gái với bông tai phù hợp lứa tuổi. Ảnh: DUY KHÔI
Về kiềng, gồm 2 loại (chạm và trơn). Kiềng chạm bông phổ thông trước 1945, nhất là chạm kiểu "nhất thi nhất họa" được coi là hợp thời trang. Sau 1954, kiềng trơn được cho là đẹp; nhưng dần dần các cô các bà không còn thích đeo kiềng nữa ngoại trừ trong lễ hỏi cưới. Xưa, kiềng thường bằng vàng hoặc bạc hay đồng. Sau 1945 không còn thấy kiềng bạc hay đồng nữa(6).
Ở cổ tay thì có vòng, neo; ngón tay thì có nhẫn, cà rá cũng làm nhiều kiểu và nhiều chất liệu khác nhau như vàng và bạc.
Có thể nói, trang sức là vật dụng phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân Nam Bộ. "Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, trang sức có sự phát triển về kiểu dáng, vị trí đeo, cách thức trang trí, chất liệu, công nghệ chế tác. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, trang sức thể hiện những đặc điểm riêng của đời sống người Việt trong từng thời kỳ, nhưng tựu chung trang sức vẫn là ngôn ngữ không lời thể hiện mong muốn của người sử dụng, có tính kế thừa và phát triển đi lên cùng đời sống đất nước"(7).
---------------------
(1) Nguyễn Hương Ly (2023), "Trang sức trong đời sống phát triển của người Việt", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 530, tháng 4, tr.92.
(2) Vương Đằng (2014), "Phong tục miền Nam", NXB Văn hóa Thông tin, tr.361.
(3) Vương Thị Nguyệt Quế (2014), "Nữ trang của người phụ nữ Việt Nam qua ca dao", Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, số 77, tr.20.
(4) Vương Đằng, Sđd, tr.361-362.
(5) Vương Đằng, Sđd, tr.362-363.
(6) Vương Đằng, Sđd, tr.363-364.
(7) Nguyễn Hương Ly, Tlđd, tr.96.