23/11/2024 - 15:26

Không nên phát triển “đại trà” Khu công nghệ số 

(CTO) - Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) đề nghị hết sức cân nhắc việc tự động chuyển đổi khu công nghệ thông tin tập trung thành khu công nghệ số. “Chúng ta không nên phát triển đại trà khu công nghệ số, thay vào đó, Chính phủ nên chọn một vài khu và đầu tư tập trung thì mới thúc đẩy được”.

Sáng 23-11, sau khi làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo cáo thẩm tra dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum (Tổ 8) thảo luận tại tổ về 2 dự thảo luật này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBQH TP Cần Thơ tham gia phiên thảo luận.

Về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) cho rằng: Tong bối cảnh nước ta đang tiến hành công cuộc chuyển đổi số quốc gia, việc phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành có đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý, kịp thời thay thế một số nội dung trong Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.

Bên cạnh đó, ĐBQH Đào Chí Nghĩa cũng cho rằng Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cũng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, sớm đưa nước ta vươn lên làm chủ các công nghệ thế hệ mới, góp phần xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế tri thức dựa trên động lực của đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao, góp phần giúp tăng trưởng GDP nhanh và bền vững. 

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận.

​Để Dự thảo Luật được hoàn thiện hơn, ĐBQH Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Điều 3: tại khoản 12, nội dung giải thích còn rất chung chung, thiếu cụ thể, chưa làm rõ và chưa thể hiện được bản chất của khái niệm được giải thích. Vì vậy, ĐBQH Nghĩa đề nghị bổ sung nội dung làm rõ khái niệm “dữ liệu số” vì đây là khái niệm liên quan đến nhiều điều khoản quan trọng trong Dự thảo Luật, đặc biệt là liên quan đến tài sản số (Điều 14). Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chuyển các nội dung mang tính giải thích từ ngữ tại các điều (như khoản 1, Điều 14) về Điều 3 để thống nhất, đồng bộ và thuận tiện cho việc theo dõi.

Thứ hai, tại Điều 22. Quản lý, thúc đẩy về dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Đào Chí Nghĩa cho rằng cụm từ “thúc đẩy về dữ liệu số” là chưa rõ nghĩa. Vì vậy, ĐB Nghĩa đề nghị sửa tên điều này để rõ ràng, mạch lạc và phù hợp với nội dung của điều. Cụ thể như sau: “Điều 22. Quản lý, thúc đẩy phát triển dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số”.

Với Dự thảo Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) cho rằng: Thực tế khi triển khai thực hiện luật Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Luật số 69) đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước,... Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có nhiều thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn trong thực tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để dự thảo Luật được hoàn thiện hơn, ĐBQH Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể như sau: 

Thứ nhất, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ mối quan hệ, nguyên tắc áp dụng pháp luật để bảo đảm những quy định của Luật không mâu thuẫn, chồng chéo với quy định tại Luật Doanh nghiệp và các luật khác như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Dầu khí, Luật Chứng khoán, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp..., trong đó, một số Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Thứ hai, tại Điều 2. Đối tượng áp dụng: Thực tiễn hiện nay một số tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các địa phương được thành lập các tổ chức doanh nghiệp. Để luật được bao trùm hết các đối tượng, ĐBQH Đào Chí Nghĩa đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung “đối tượng áp dụng luật gồm các doanh nghiệp do cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành lập”.

Ưu đãi phải tập trung

Với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) cho rằng, phải định nghĩa đúng về “công nghệ số” thì nội hàm luật điều chỉnh mới tốt.

Hiện, Điều 3 của dự thảo Luật về giải thích từ ngữ quy định: “Công nghệ số bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tại ảo/thực tại tăng cường, và các công nghệ số khác để số hoá thế giới thực, thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý thông tin và dữ liệu số”.

“Dự thảo Luật định nghĩa theo dạng liệt kê như vậy không hợp lý và sẽ thiếu”. Theo đại biểu, trên thế giới có nhiều định nghĩa chuẩn mực về vấn đề này theo hướng làm rõ nội hàm của công nghệ số, ban soạn thảo có thể tham khảo. Ví dụ, công nghệ số là sử dụng các hệ thống công cụ và thiết bị kỹ thuật số để xử lý, lưu trữ và truyền dữ liệu dưới dạng số, điện tử. Công nghệ số bao gồm nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm máy tính, điện thoại thông minh, ứng dụng, phần mềm, internet và các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, máy học, blockchain… Bên cạnh đó, dù tán thành với việc có chính sách ưu tiên để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số song đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng, trong dự thảo Luật, các quy định ưu tiên, ưu đãi nhiều quá, dàn trải, không tập trung. “Tôi thống kê trong dự thảo Luật, từ “ưu tiên” lặp lại 23 lần; từ “hỗ trợ” lặp lại 53 lần; từ “ưu đãi” là 32 lần, “khuyến khích” là 6 lần. Theo tôi, ưu tiên, ưu đãi phải đúng chỗ mới thúc đẩy được, chỗ nào cũng ưu tiên thì không còn là ưu tiên nữa, vì vậy hết sức cân nhắc” - đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương lấy ví dụ, cần ưu tiên phát triển hạ tầng, gồm: điện - yếu tố cực kỳ quan trọng với công nghiệp bán dẫn, công nghiệp công nghệ số; nước sạch; nguồn nhân lực. “Khi Malaysia xác định đảo Penang là đảo của bán dẫn, họ kéo 2 đường điện ra đảo và làm 2 cây cầu dài 14km và 23km để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Hoặc, Hàn Quốc có những trung tâm nghiên cứu bán dẫn từ năm 1979, lương ai làm ở đó là cao nhất Hàn Quốc, đã vào rồi là không ai ra khỏi đó nữa. Chính phủ có thể có chương trình ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong 4-5 năm” - đại biểu Nguyễn Thanh Phương nói.

Cũng theo đại biểu, cả nước hiện có 7 khu công nghệ thông tin tập trung nhưng hiệu quả hoạt động hiện còn hạn chế. Trong khi đó, Điều 72 về điều khoản chuyển tiếp quy định: “Khu công nghệ thông tin tập trung đã được quy hoạch, thành lập, công nhận, mở rộng và đang hoạt động theo quy định của pháp luật tự động chuyển thành khu công nghệ số và thực hiện theo quy định tại Luật này”. “Hết sức cân nhắc việc khu công nghệ thông tin tập trung tự động chuyển thành khu công nghệ số. Chúng ta không nên và không thể phát triển đại trà khu công nghệ số. Thay vào đó, Chính phủ nên chọn một vài khu đúng nơi đúng chỗ, đầu tư tập trung, đầu tư cho “tới mức” thì mới bật lên được”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề nghị.

Công nghiệp công nghệ số là ngành kinh tế riêng có phù hợp?

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận.

Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị làm rõ 3 nội dung.

Thứ nhất, quy định công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế riêng đã thật phù hợp với phân chia các ngành kinh tế, khoa học công nghệ theo thông lệ của quốc tế hay chưa? “Ngay báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành dự án Luật này vì đã có Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao năm 2008. Vì công nghệ số có ở khắp các ngành kinh tế - kỹ thuật từ viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu, điện tử bán dẫn, tự động hóa…”.

Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật, thì công nghệ số được hiểu là bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới. Như vậy, có thể hiểu Luật này sẽ điều chỉnh các lĩnh vực thuộc ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao và các ngành khoa học công nghệ có hàm lượng đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng số vốn đã có luật ban hành. “Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số… nên không thể gom hết những gì thuộc công nghệ số thành một ngành công nghiệp riêng.

Hơn nữa, Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn chỉ ra là trong bối cảnh hiện nay chưa thấy quốc gia nào trên thế giới quy định ở tầm luật đối với lĩnh vực này. Do đó cân nhắc làm rõ nội dung này”, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị

Thứ hai, theo đại biểu, vừa qua Quốc hội đã thông qua một số luật như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... và đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như Luật Dữ liệu... Các luật này cũng có nhiều nội hàm của công nghệ số, vì vậy, cần được xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống luật pháp.

Thứ ba, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, một số nội dung lần đầu được quy định ở văn bản luật như tài sản số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các quy định về nguồn nhân lực công nghệ số, khung năng lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát... cần được nghiên cứu, làm rõ hơn trong quá trình xây dựng Luật để có tính khả thi cao và gắn với thực tiễn của tình hình cụ thể của nước ta.

Một số khái niệm như: công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, hội tụ công nghệ số, khu công nghệ số… cần làm rõ hơn cả về định tính và định lượng để xem xét, quyết định áp dụng các chính sách về ưu đãi thuế, đất đai…

Hà Lan- Nhã Tuyền

Chia sẻ bài viết