Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…
Hãy sử dụng mạng xã hội một cách chừng mực, đừng để “thế giới ảo” chi phối cuộc sống thực của mình (ảnh mang tính minh họa).
Mấy tháng nay, vợ chồng chị C ở quận Cái Răng “chiến tranh lạnh”, sống chung nhà nhưng như ly thân, chuyện ai nấy lo. Trước đây, đôi bên có phát sinh mâu thuẫn, hiểu lầm, nhưng vì tự ái, không giải quyết, bỏ mặc. Sau giờ làm, mỗi người ôm điện thoại lên mạng với bao thú vui và những người bạn “tâm đầu hợp ý”. Trong khi chồng sử dụng nhiều tài khoản tham gia các nhóm chat “thả thính”, quen rất nhiều cô, gởi ảnh cho nhau, hẹn hò cà phê, chị C cũng vào những hội độc thân, cùng sở thích, tìm bạn bốn phương… Có người tâm sự, chị C cảm thấy bớt cô đơn, trải lòng từ công việc đến chuyện riêng tư. Ban đầu, chị C xác định “ảo” chỉ để giải khuây, nhưng dần dà chị bị cuốn vào, không dứt ra được. Nhiều hôm chị C không nấu ăn, đặt cơm tiệm để dành thời gian chat với đối tác, đi ăn với con mà mắt không rời màn hình điện thoại, con hỏi bài thì kêu tra google, thưa dần những buổi tối mẹ con cùng vẽ tranh, đọc sách…
Trong những người quen trên mạng, chị C có ấn tượng và nói chuyện rất hợp với một anh buôn bán ở Tiền Giang. Anh này kể đang cảnh “gà trống nuôi con” và sống cùng mẹ già. Hai người thường gởi ảnh cho nhau, anh tỏ vẻ rất quan tâm, hay nhắc chị ngủ sớm, giữ sức khỏe, hứa sẽ đến thăm, mong được tạo điều kiện tiến xa hơn. Chị C cũng đáp từ với những lời lẽ ngọt ngào, còn mơ viễn cảnh sống chung nhà. Một hôm, chị C nhận được rất nhiều tin nhắn từ tài khoản anh này với lời lẽ xúc phạm, chửi bới…Thì ra vợ anh ta phát hiện sự việc, dằn mặt và cho biết đây không phải lần đầu tiên chồng chị lăng nhăng. Mắc cỡ, thất vọng và sợ chị này làm lớn chuyện, chị C xin lỗi và chặn tài khoản, đóng luôn Facebook cá nhân. Nhìn nhận lại chuyện đã qua, thấy mình cũng có phần lỗi, cư xử chưa khéo, chị C muốn hàn gắn lại với chồng thì nhận lại sự thất vọng, chán nản bởi từ lâu không có sự kết nối, giữa hai người đã có khoảng trống và tâm hồn, tình cảm của chồng đã hướng về nơi khác…
Cũng vì chiếc điện thoại và mạng xã hội mà gia đình chị H ở quận Ninh Kiều, thường xuyên lục đục. Từ khi chị H tham gia mạng xã hội thì 2 con nhỏ ít được mẹ hỏi han, chuyện ăn uống, học hành thường nhờ ông bà ngoại. Chị H chăm chút ngoại hình, siêng chụp ảnh, chỉnh sửa sao cho thật đẹp rồi đăng Zalo, Facebook, mải mê đếm like, trả lời tin nhắn. Chị còn hay “thả thính”, viết các dòng trạng thái sướt mướt như thể đang cô đơn, thậm chí còn tự nhận ế… với tâm lý câu view cho vui. Một số người quen thường nhắn tin hỏi chồng chị H có chuyện gì mà vợ cứ hay lên mạng nói bóng gió. Chồng góp ý nhiều lần nhưng chị H không sửa.
Mỗi khi má chồng sang chơi nấu ăn, chị lại chụp hình cả bàn thức ăn đăng lên mạng, thích thú khi nhiều người vào khen khéo tay làm bếp, đảm đang. Đâu chỉ thế, những chuyện riêng tư trong nhà chị H cũng bê lên mạng, khiến chồng nhiều phen “muối mặt”. Gần đây, chị H còn hay lên mạng thức khuya hát live, săn sale, tham gia các trò chơi để nhận quà… bỏ bê việc nhà, ảnh hưởng sinh hoạt chung. Khuyên hoài chị H không nghe, chồng và con trai chuyển sang phòng khác ở, bỏ mặc chị muốn làm thì làm.
Biết tác hại của việc lạm dụng công nghệ đối với đời sống gia đình, vợ chồng chị Thảo ở quận Bình Thủy nêu gương cho các con, về nhà dành thời gian cho người thân, cùng nấu ăn, dọn dẹp, chuyện trò, hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại. Chị Thảo hướng dẫn các con cách sử dụng mạng xã hội an toàn, chọn lọc thông tin hữu ích phục vụ việc học và những sở thích lành mạnh, thận trọng với các nội dung chia sẻ; đồng thời cảnh báo con những hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao trên mạng xã hội để phòng tránh. Chị Thảo thường vào xem trang cá nhân của chồng con, thấy cái nào chưa được thì nhắc khéo để điều chỉnh. Đối với chị Thảo, rảnh rỗi mới lên mạng cho vui, kiến thức nào hay thì chia sẻ để cùng xem. Thỉnh thoảng chị Thảo đăng vài tấm hình cả nhà du lịch, quây quần bên nhau làm kỷ niệm, quan trọng là quan tâm chăm sóc, vun vén tình cảm ngoài đời…
Mạng xã hội là công cụ có ích nếu biết cách sử dụng hợp lý. Còn ngược lại, nếu đi quá giới hạn, thiếu kiểm soát, sẽ phát sinh tiêu cực. Nhiều người quan niệm trên mạng không ai biết rõ mình nên đăng những nội dung có khi không đúng với thực tế, hoặc vô tư “thả thính”, bình luận, trêu đùa… mua vui. Tuy nhiên, dù là “ảo” nhưng những hành động, tương tác trên mạng xã hội lại dẫn đến những hậu quả thật. Vì vậy, người dùng cần có trách nhiệm, biết kiểm soát cảm xúc, đừng chạy theo lối sống ảo, giả tạo. Ðừng vì những phút giây vui vẻ phù phiếm mà đánh mất những giá trị thật của cuộc sống.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH