22/11/2024 - 19:39

Cần Thơ - tiên phong đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV 

(CT) - Ngày 22-11, Ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện US.CDC, USAID, các cơ quan triển khai chương trình PEPFAR tại Việt Nam; ông Phạm Đức Mạnh, Phó cục Trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế  đến làm việc với Sở Y tế Cần Thơ về  đáp ứng Y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV (PHCR).

Ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper và ông Nguyễn Ðức Mạnh trao giấy khen cho Sở Y tế, CDC, Trung tâm Y tế (quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy), CBO S Ðỏ,   CBO Glink. 

Các sở, ban, ngành, các trường đại học, CDC Cần Thơ, các bệnh viện, trung tâm y tế,  các tổ chức cộng đồng, phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tham  dự.

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ  cho biết: Kể từ ca nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên tại Cần Thơ vào năm 1991, đến nay lũy tích số người nhiễm HIV tại Cần Thơ còn sống là 4.950 người. Số ca nhiễm HIV phát hiện được hàng năm bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2015 trở lại đây, ghi nhận 300-500 trường hợp trong một năm. Các trường hợp lây nhiễm HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn chiếm 97%, tập trung ở nhóm tuổi trẻ 16-29 tuổi chiếm gần 42%... Đặc biệt, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm hơn 2/3 số trường hợp phát hiện được. Đáng quan ngại là xuất hiện chùm ca nhiễm HIV tại các quận như Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy.

Với sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ Chính phủ Mỹ thông qua quỹ PEPFAR, được triển khai bởi các đơn vị trực thuộc như USAID, US.CDC thông qua các tổ chức, đối tác. Đặc biệt, TP Cần Thơ nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất lớn từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế để triển khai sáng kiến đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV (PHCR) và đạt được những thành công cụ thể như:  số trường hợp nhiễm HIV phát hiện giảm, tăng tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV được kết nối điều trị ARV, tăng tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ dự phòng và chăm sóc, đặc biệt là chương trình dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Các khoảng trống dịch vụ được cải thiện đáng kể và huy động sự tham gia mạnh mẽ của các cấp ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO).

Ông Phạm Đức Mạnh, Phó cục Trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia tiên phong trong việc áp dụng sáng kiến đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm nhằm kiểm soát dịch HIV: nhanh, trọng tâm và bền vững. Đặc biệt, Cần Thơ là địa phương đầu tiên triển khai mô hình này và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sự kiên trì, quyết tâm và sáng tạo trong công tác triển khai mô hình đã giúp Cần Thơ gặt hái được những thành công bước đầu, tạo tiền đề vững chắc cho những nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS tiếp theo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình PHCR đến những địa phương có nguy cơ cao, nhằm kịp thời kiểm soát và giảm thiểu dịch bệnh.

Dịp này, Ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trao tặng giấy khen cho Sở Y tế, CDC, Trung tâm Y tế (quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy), CBO S Đỏ và CBO Glink nhằm ghi nhận những nỗ lực, đóng góp cho thành công của hoạt động PHCR tại TP Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ngài đại sứ Marc E. Knapper cho biết: Thông qua sự hợp tác chung, chúng ta đã tăng gấp 7 lần việc xác định các trường hợp nhiễm HIV thông qua các dịch vụ tư vấn tại chỗ, tăng 20% các trường hợp liên quan đến điều trị và số lượng khách hàng được sử dụng thuốc trong cùng ngày. Chúng ta cũng tăng khả năng tiếp cận phòng ngừa HIV tại các quận trọng điểm thông qua việc hợp tác với các đối tác cộng đồng để có các dịch vụ thân thiện hơn.  Chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác và đồng minh của các bạn và sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường chất lượng chương trình phòng, chống HIV và phát triển cộng đồng trong thời gian tới.

Tin, ảnh: H.HOA 

 

    

Chia sẻ bài viết