Các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP Cần Thơ chú trọng nâng cao sự an toàn cho người bệnh bằng việc triển khai nhiều giải pháp cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giám sát từ hai phía, bao gồm cả cán bộ y tế và người bệnh, nhằm đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Tăng trách nhiệm
Theo các nghiên cứu lâm sàng, thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu đối với người bệnh. Trong vòng vài phút, bệnh nhân dị ứng thuốc có thể rơi vào tình trạng sốc, đối mặt với nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, người bệnh khi sử dụng thuốc cần thông tin với bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc; dùng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định. Sau khi uống hoặc tiêm thuốc, cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như tim đập nhanh, khó thở, bồn chồn, tê lưỡi… cần báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám, xử trí kịp thời.
Điều dưỡng BV Đa khoa TP Cần Thơ hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc.
Đó là những khuyến cáo của các chuyên gia dành cho người bệnh để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi sử dụng thuốc. Về phía nhân viên y tế, cũng có các nguyên tắc chuyên môn cần tuân thủ để đảm bảo an toàn sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhân viên y tế chưa thực hiện tốt trách nhiệm, tiềm ẩn rủi ro cho bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc.
Qua khảo sát trong nhóm khoảng 140 điều dưỡng của BV Đa khoa TP Cần Thơ, có hơn 7,3% điều dưỡng chưa thực hành thuốc tốt cho bệnh nhân. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu “Đánh giá việc tuân thủ thực hiện thuốc của điều dưỡng BV Đa khoa TP Cần Thơ năm 2023” do anh Lâm Hữu Đức, Trưởng Phòng Điều dưỡng BV, thực hiện. Theo tác giả đề tài, an toàn người bệnh trong quá trình điều trị là vấn đề ưu tiên hàng đầu của các BV trong cả nước. Năm 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 43/2018/TT-BYT về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có các sai sót liên quan đến việc sử dụng thuốc cho người bệnh. Ghi nhận tại các khoa lâm sàng của BV Đa khoa TP Cần Thơ, còn tình trạng điều dưỡng không tuân thủ việc thực hiện thuốc, dẫn đến nhiều hậu quả cho bệnh nhân như kéo dài thời gian nằm viện, gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn BV, tốn kém công sức, chi phí khám chữa bệnh. Mục tiêu thực hiện nghiên cứu của anh Lâm Hữu Đức nhằm tiếp cận dữ liệu thực tế, tìm ra nguyên nhân cũng như đề ra các giải pháp phù hợp, chấn chỉnh lại hành vi chuyên môn của đội ngũ điều dưỡng, nâng cao hơn chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ điều dưỡng khai thác tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân thời điểm người bệnh mới vào khoa và ghi vào hồ sơ bệnh án là 61,31%. Điều dưỡng tuân thủ việc thông tin và giải thích cho người nhà người bệnh trước khi dùng thuốc là 59,12%, không tuân thủ là 40,88%. Điều dưỡng hỏi tiền sử dị ứng thuốc khi thực hiện thuốc là 17,52%, không hỏi tiền sử dị ứng là 82,48%. Điều dưỡng giải thích cho thân nhân và người bệnh về tác dụng và quá trình dùng thuốc đạt tỷ lệ 10,22% và không giải thích là 89,78%. Điều dưỡng hướng dẫn cho thân nhân và người bệnh tuân thủ điều trị chiếm tỷ lệ 26,28%, không hướng dẫn cho người bệnh là 73,72%. Điều dưỡng hỏi và dặn dò người nhà người bệnh sau khi thực hiện thuốc để theo dõi và phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc để báo bác sĩ xử trí kịp thời (nếu có) và báo cáo theo quy định là 24,82%, không thực hiện là 75,18%... Các yếu tố liên quan với việc hướng dẫn cho người bệnh và thân nhân người bệnh tuân thủ sử dụng thuốc điều trị bao gồm độ tuổi, giới tính, trình độ và thâm niên của điều dưỡng.
Anh Lâm Hữu Đức nhận định, có thể phòng tránh được sự cố, sai sót trong việc sử dụng thuốc cho người bệnh tại BV thông qua hệ thống kiểm soát hiệu quả liên quan đến bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, người bệnh, thân nhân người bệnh và bộ phận quản lý BV. Hằng năm, Phòng Điều dưỡng BV đều thực hiện các chương trình, kế hoạch tập huấn, định kỳ cập nhật kiến thức, trau dồi chuyên môn cho lực lượng điều dưỡng viên về các quy trình thực hiện thuốc an toàn cho người bệnh. Bên cạnh đó, tập huấn các thông tư, nghị định liên quan về quy trình kỹ thuật của điều dưỡng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quy định thực hiện thuốc của điều dưỡng. Ngoài ra, BV cũng có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể khoa thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, trong đó có quy định về an toàn về sử dụng thuốc.
Chẩn đoán đúng, điều trị an toàn
Chủ đề của Ngày Quốc tế an toàn người bệnh thế giới năm 2024 là “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh”, nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo an toàn cho các quy trình chẩn đoán. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sai sót y khoa là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương tật và tử vong trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có tới 10% người bệnh trên thế giới chịu tác động tiêu cực từ các sai sót trong quá trình chẩn đoán hoặc điều trị. Sai sót y khoa không chỉ làm giảm chất lượng chăm sóc y tế mà còn gây lãng phí tài nguyên và tạo gánh nặng kinh tế cho người bệnh.
Đoàn chuyên gia Văn phòng công nhận chất lượng BoA đánh giá Khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ đủ điều kiện đạt chuẩn ISO 15189: 2022.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và an toàn trong chẩn đoán và điều trị, lấy người bệnh làm trung tâm. Trong lĩnh vực xét nghiệm, các cơ sở y tế trong cả nước liên tục nâng cao năng lực theo bộ tiêu chuẩn yêu cầu về chất lượng và năng lực các phòng xét nghiệm của Bộ Y tế và tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189. Năm 2022, bộ tiêu chuẩn ISO 15189 ra mắt phiên bản mới, thay thế cho phiên bản năm 2012 với nhiều thay đổi hướng đến mục tiêu vì sự an toàn của người bệnh.
Tại TP Cần Thơ, BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi sang bộ tiêu chuẩn ISO 15189: 2022. BS CKII Chu Văn Vinh, Giám đốc BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ cho biết, BV đặt mục tiêu chuyển đổi sang áp dụng phiên bản ISO 15189:2022, vừa duy trì sự phù hợp các yêu cầu của tiêu chuẩn cũ, vừa thực hiện chuyển đổi áp dụng phiên bản mới để đáp ứng xu thế quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của công tác xét nghiệm. BV liên tục đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, trong đó có lĩnh vực xét nghiệm, đáp ứng công suất trên 10.000 test/giờ. Khoa Xét nghiệm đảm bảo thực hiện các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu, là đầu mối nhận mẫu cho các BV công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL.
ThS Vũ Minh Vỹ, Trưởng Đoàn chuyên gia Văn phòng công nhận chất lượng BoA (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong tháng 11-2024, BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ sẽ được cấp chứng nhận đạt chuẩn ISO 15189:2022. Đây là kết quả nỗ lực của Khoa Xét nghiệm, đồng thời cho thấy sự quan tâm của Ban lãnh đạo BV ưu tiên kiểm soát chất lượng, thể hiện qua việc đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị hiện đại và đào tạo đội ngũ chuyên khoa bài bản, chuyên nghiệp. Phiên bản ISO mới mở rộng chuyên sâu, yêu cầu chặt chẽ về quy trình xử trí các tình huống khẩn cấp và gia tăng quyền lợi của người bệnh.
Định kỳ hằng năm, Sở Y tế TP Cần Thơ đều thành lập đoàn đánh giá chất lượng BV, giám sát kết quả hoạt động chuyên môn và các quy trình đảm bảo an toàn cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại các đơn vị y tế từ tuyến thành phố đến y cơ sở. Qua từng năm, chất lượng các đơn vị đều cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh, góp phần củng cố vị thế của ngành y tế Cần Thơ, xứng đáng là trung tâm y tế của vùng ĐBSCL.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG