17/05/2013 - 08:40

Okinawa và “chiêu bài” mới của Trung Quốc

Okinawa- nơi tập trung phần lớn các cơ sở quân sự Mỹ tại Nhật Bản và là căn cứ quan trọng đối với liên minh an ninh giữa hai nước cũng như lực lượng Mỹ ở châu Á. Ảnh: AP

Theo nhận định của các phương tiện truyền thông quốc tế, Trung Quốc đang cố gắng củng cố chủ quyền và mở thêm mặt trận mới trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản khi tiếp tục “nghi vấn” về chủ quyền của Tokyo trên đảo Okinawa- hiện có hơn 1 triệu dân và là nơi đồn trú của 25.000 lính Mỹ cùng các cơ sở quân sự. Tuy nhiên, chiến thuật này của Trung Quốc chưa thể phát huy hiệu quả như họ mong đợi, ngược lại khiến lập trường của Tokyo thêm cứng rắn.

Hồi đầu tháng này, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu “nỗ lực” mở rộng phạm vi tranh chấp lãnh thổ với Tokyo khi tờ Nhân dân Nhật báo vốn là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho đăng tải bài báo nêu lên ý kiến của hai học giả nước này. Trong bài viết của mình, hai tác giả Lý Quốc Cường và Trương Hải Bằng đề ra “dấu hỏi” về chủ quyền của Nhật Bản trên chuỗi đảo Ryukyu - vốn bao gồm cả đảo Okinawa khi nói rằng “việc sáp nhập vương quốc Ryukyu vào năm 1879 của Nhật Bản chẳng khác nào một cuộc xâm lược, do đó vấn đề chủ quyền vẫn còn để ngỏ”.

Để củng cố, họ còn viện dẫn lý do vương quốc này trước đây là một nước chư hầu của Trung Quốc, và rằng triều đại nhà Thanh đã quá suy yếu trong cuộc chiến chống lại quốc gia tiến bộ như Nhật Bản. Trong một bài viết sau đó trên Hoàn Cầu Thời báo, Lý Quốc Cường khẳng định: “Không chỉ xóa bỏ sự thật về vấn đề Ryukyu, Nhật Bản còn hung hăng gấp đôi kèm theo động thái khiêu khích về vấn đề đảo Điếu Ngư (mà phía Nhật gọi là Senkaku). Do đó, việc xem xét lại vấn đề Ryukyu là cần thiết”.

Không dừng lại ở đó, Thiếu tướng La Viện, một viên tướng nổi tiếng “diều hâu” của Trung Quốc, mới đây còn “thêm dầu vào lửa” khi lấy lý do rằng vương quốc Ryukyu bắt đầu phải cống nạp cho Trung Quốc từ năm 1372 trong khi 500 năm sau mới sát nhập vào Nhật Bản để làm bằng chứng. “Hiện tại chúng ta không cần thảo luận xem chuỗi đảo Ryukyu thuộc về Trung Quốc hay không, nhưng họ chắc chắn là chư hầu của chúng ta. Tôi không nói tất cả các nước chư hầu trước đây đều thuộc về Trung Quốc nhưng chúng ta có thể khẳng định Ryukyu không thuộc về Nhật Bản. Và nếu Ryukyu đã không thuộc về họ thì làm sao có thể thảo luận về vấn đề Điếu Ngư?”- La Viện lập luận.

Theo hãng tin Mỹ AP, lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc phần nào phản ánh thái độ của giới lãnh đạo nước này. Trong khi đó, báo Anh Guardian cho rằng chính quyền Bắc Kinh đột nhiên đặt nghi vấn về tính hợp pháp của Tokyo trong kiểm soát toàn bộ chuỗi đảo Okinawa là nhằm làm suy yếu cơ sở lịch sử về mặt chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy nhiên, các nhà phân tích xác định Trung Quốc đã phạm sai lầm nếu tin rằng việc kích động Nhật Bản quanh vấn đề Okinawa sẽ tạo đà để nước này tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Nếu mục tiêu của Bắc Kinh là đàm phán với Tokyo về Senkaku/Điếu Ngư thì những bài viết kiểu của hai tác giả Lý Quốc Cường và Trương Hải Bằng là phản tác dụng. Sau tất cả, Nhật Bản chỉ có thêm động lực để tiếp tục đối kháng với Trung Quốc mà không có đàm phán nào hết”- chuyên gia về chính sách ngoại giao Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) M Taylor Fravel nói.

Mặt khác, một số học giả ở Nhật Bản và các quốc gia khác cùng lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh có thể nhận hậu quả “gậy ông đập lưng ông” nếu cứ tiếp tục chiêu trò khuấy động để “gặm mòn” lãnh thổ Nhật Bản. Nhưng theo Paul O’Shea thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông và Đông Nam Á tại Đại học Lund (Thụy Điển), Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa ra nhiều động thái được tính toán hòng gia tăng áp lực đối với Tokyo và củng cố vị thế thương lượng của mình. Và cũng chính điều này sẽ khiến Mỹ đẩy mạnh hơn chiến lược tái cân bằng lực lượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

VI VI (Theo Guardian, AP)

 

Chia sẻ bài viết