27/07/2024 - 07:13

Thế giới trong “đại dịch nắng nóng cực đoan” 

Sau khi Trái đất trải qua những ngày nóng kỷ lục trong tuần này, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã kêu gọi một loạt nỗ lực nhằm giảm thiểu số ca tử vong do “đại dịch nắng nóng cực đoan”.

“Sát thủ thầm lặng”

“Hàng tỉ người đang héo mòn dưới những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm, với nhiệt độ lên tới 500C trên khắp thế giới. Đó là nhiệt độ ở giữa điểm sôi”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh hôm 25-7.

Công nhân vệ sinh môi trường làm việc trong đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Theo cơ quan khí hậu Copernicus của châu Âu, ngày 21, 22 và 23-7 là 3 ngày nóng nhất từng được ghi nhận, trong đó ngày 22-7 giữ kỷ lục mới về nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu với 17,160C. Kỷ lục ngày nóng nhất trước đó được thiết lập vào năm 2023.

Trong khi năm 2023 trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận và năm nay có thể lập kỷ lục mới, mức nhiệt trên 400C đang ngày càng phổ biến. Thậm chí, trong năm qua, mức nhiệt vượt ngưỡng 500C đã được ghi nhận tại ít nhất 10 địa điểm, từ Thung lũng Chết ở Mỹ đến thành phố Agadir của Maroc, Trung Quốc và Ấn Độ.

Mặc dù thường ít thấy hơn so với những dạng thời tiết khắc nghiệt khác của biến đổi khí hậu như bão hoặc lũ lụt, nhưng nắng nóng cực đoan lại gây tử vong lớn hơn. “Sát thủ thầm lặng” này đã khiến khoảng 489.000 người chết mỗi năm trong giai đoạn 2000-2019, so với 16.000 ca tử vong do bão mỗi năm, theo tài liệu “Kêu gọi hành động” mà LHQ công bố ngày 25-7.

Ngoài tổn thất nhân mạng, nắng nóng còn có nguy cơ làm “bốc hơi” kinh tế toàn cầu 2.400 tỉ USD vào năm 2030. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trực thuộc LHQ, điều kiện làm việc thay đổi nhanh nhất là ở châu Âu và Trung Á, nơi có gần 1/3 lực lượng lao động tiếp xúc với nhiệt độ cực cao. Châu Âu hiện là lục địa ấm lên nhanh nhất thế giới.

“Quá muộn, quá ít”

Nắng nóng kinh hoàng không mới, nhưng hiện tượng này đã gia tăng về mức độ, tần suất và thời gian hoành hành do biến đổi khí hậu thúc đẩy. Tổng Thư ký Guterres cho rằng nhiều nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang được thực hiện, nhưng quá ít, quá muộn và vấn đề là biến đổi khí hậu lại đang diễn ra nhanh hơn tất cả các biện pháp đó.

Trước ngày 3-7-2023, ngày nóng nhất được đo là 13-8-2016 với 16,80C. Trong 13 tháng qua, kỷ lục này đã bị phá 59 lần.

Người đứng đầu LHQ tiếp tục thúc giục nhân loại đẩy lùi “cơn nghiện” nhiên liệu hóa thạch. Hoạt động đốt nhiên liệu này để tạo nhiệt và năng lượng là “thủ phạm” lớn nhất gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo đó, các chính phủ cần “tăng tốc các biện pháp loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”, bao gồm cắt giảm sản lượng và tiêu thụ tất cả các loại nhiên liệu này trên toàn cầu ít nhất 30% đến năm 2030.

LHQ đồng thời kêu gọi các quốc gia thông qua những đề xuất nhằm giảm số ca tử vong do nắng nóng, bắt đầu bằng việc hỗ trợ làm mát và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người nghèo, người già, trẻ em và người bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, LHQ đề nghị cải thiện hệ thống cảnh báo sớm về nắng nóng cực đoan, mở rộng “làm mát thụ động”, thiết kế đô thị tốt hơn, tăng cường bảo vệ sức khỏe người lao động làm việc ngoài trời.

Nếu các quốc gia tuân thủ khuyến nghị của LHQ, các biện pháp trên có thể bảo vệ 3,5 tỉ người trước nắng nóng đến giữa thế kỷ này, đồng thời giúp cắt giảm lượng khí thải và tiết kiệm cho người tiêu dùng 1.000 tỉ USD mỗi năm, theo ước tính của Chương trình Môi trường LHQ. Trong khi đó, nâng cấp các hệ thống cảnh báo nhiệt độ ở 57 quốc gia có thể cứu sống hơn 98.000 người mỗi năm.

Tổ chức Lao động Quốc tế trích dẫn một nghiên cứu cho thấy nếu nhiệt độ cơ thể con người tăng trên 380C, các chức năng thể chất và nhận thức sẽ bị suy yếu, trong khi vượt 40,60C thì nguy cơ tổn thương nội tạng, mất ý thức và tử vong tăng mạnh.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Financial Times)

Chia sẻ bài viết