Hiện nay nhiều phụ huynh trang bị cho con điện thoại di động thông minh có kết nối Internet. Để trẻ sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập, vui chơi lành mạnh, phụ huynh cần có sự giám sát, định hướng. Nếu không, trẻ dễ sa vào những nội dung độc hại hoặc nghiện thiết bị công nghệ.
Phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn con sử dụng điện thoại kết nối mạng internet an toàn, lành mạnh (ảnh mang tính minh họa).
Mấy ngày nay, nhờ dì Út làm trung gian hòa giải, chị Hồng Ngọc ở quận Bình Thủy và cô con gái 15 tuổi mới hết “chiến tranh lạnh”. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chị Ngọc nghe người bạn (có con gái học chung với con chị) kể về việc con gái chị Ngọc lên mạng xã hội thường xuyên, có khi đêm khuya cũng chat và tham gia rất nhiều nhóm “không lành mạnh”. Chị Ngọc nhờ người bạn hỗ trợ, tìm cách tiếp cận các nhóm chat trên mạng của con. Xem lịch sử, chị Ngọc tá hỏa khi phát hiện con và các bạn dùng tiếng lóng, văng tục, trao đổi những nội dung, hình ảnh quan hệ nam nữ không phù hợp lứa tuổi; con và bạn nam trong nhóm còn gọi nhau là “vợ chồng”. Tìm hiểu, chị Ngọc thấy con thường chat với một người không rõ nhân thân. Người này yêu cầu quay clip sinh hoạt gởi cho xem làm kỷ niệm, nhưng con chị Ngọc chưa thực hiện, chỉ gởi ảnh chân dung. Người này có gởi vài clip chăm sóc thú cưng, trồng cây, tập thể dục và ngon ngọt khen con chị Ngọc rất nhiều, hứa sẽ gởi quà tặng, gặp mặt…
Trong lúc mất bình tĩnh, chị Ngọc la rầy, tịch thu điện thoại của con. Khi chị Ngọc đem chuyện nói với chồng thì con gái phản ứng, cho rằng cha mẹ quá đáng, xâm phạm quyền riêng tư, đòi bỏ qua nhà bà nội ở. Dì Út biết chuyện, đứng ra khuyên giải. Lúc này, con gái chị Ngọc mới kể là do các bạn chơi chung rủ kết bạn với người lạ cho vui, trên mạng là ảo, không ai biết mình. Hình ảnh và phim cũng là các bạn sưu tầm chuyển coi, còn bạn nam trong nhóm thì học cùng trường… Thấy con sai một phần do mình chưa thật sự quan tâm nhắc nhở, giáo dục con, chị Ngọc giải thích cho con hiểu về những nguy cơ khi truy cập vào các nội dung độc hại. Việc kết giao, cung cấp thông tin cho người lạ, có thể sẽ bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh làm chuyện vi phạm pháp luật, hoặc sẽ trở thành nạn nhân bị lừa đảo. Chị lựa lời giáo dục về giới tính để con hiểu đúng về tình bạn, tình yêu, ý thức giá trị bản thân, biết cách tự bảo vệ mình, không sa đà vào chuyện yêu đương quá sớm. Thấy con hứa sửa đổi, chị Ngọc trả lại điện thoại, mẹ con làm hòa.
Mấy tháng hè, vợ chồng anh Hoàng đi làm, ban ngày gởi 2 con trai (10 tuổi và 5 tuổi) ở nhà với ông bà ngoại tại quận Cái Răng, tối rước về. Để các con không nghịch phá, anh Hoàng cho mang theo Ipad giải trí. Dạo gần đây, anh Hoàng thấy các con có biểu hiện lạ, hay nói và hát, chọc cười bằng những câu nhảm nhí, có đêm lại mớ la như đang chơi game. Anh Hoàng hỏi thì ông bà kể các cháu lên mạng coi phim, chơi game suốt, không rời điện thoại, ăn và đi nhà vệ sinh cũng cầm theo, bỏ luôn cữ ngủ trưa, ông bà nhắc nhở nhưng không chịu nghe. Anh Hoàng kiểm tra máy thì thấy con chơi game bạo lực kinh dị, toàn cảnh chém giết, có mấy lần các con bấm vào đường link phim đen quảng cáo trên game… Thấy không ổn, anh Hoàng chấn chỉnh lại cách ăn nói, khuyên con không coi những nội dung độc hại, giới hạn thời gian sử dụng điện thoại, cài đặt, chặn những trang web không lành mạnh. Song song đó, anh lập lại thời khóa biểu, cho các con đem theo truyện tranh, tô màu, đồ xếp hình qua nhà ngoại; hướng dẫn các con phụ ông bà làm việc nhà… Nhờ vậy, các con của anh Hoàng bớt nghiện điện thoại, sinh hoạt đi vào nền nếp.
Do công việc bận rộn, nhiều năm qua, chị Phượng ở quận Ninh Kiều hướng dẫn con gái cách tự học. Chị Phượng không có thời gian đưa rước nên phần lớn con học thêm các môn bằng hình thức online. Chị Phượng mua máy tính, điện thoại và rèn con các kỹ năng khai thác, sử dụng mạng internet hiệu quả, cách tìm tài liệu, dịch thuật, làm bài thuyết trình, giới thiệu cho con phim ảnh, trò chơi, những trang web chứa nhiều thông tin bổ ích. Con chị Phượng chuẩn bị vào lớp 9, rất giỏi vi tính và các môn khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên mọi việc không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có thời điểm năm lớp 7, con gái chị Phượng kết giao với nhóm bạn trên mạng, rủ chơi game nhiều, còn lấy tiền để dành mua thẻ game, tò mò vào xem những clip không phù hợp. Chị Phượng phát hiện, kịp thời điều chỉnh, phân tích tác hại việc nghiện game, cảnh báo những nguy cơ có thể gặp phải trên môi trường số. Sau sự cố này, chị Phượng thường xuyên trò chuyện để biết về những thứ con xem hàng ngày, đồng thời khuyến khích con tham gia những hoạt động thực tế như đọc sách, học nấu ăn, làm việc nhà, tập thể dục… để cân bằng sức khỏe thể chất, tinh thần.
Chị Phượng chia sẻ kinh nghiệm: “Mạng internet chứa rất nhiều thông tin, nếu người dùng, đặc biệt là đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, không biết cách chọn lọc sẽ gây tác hại khó lường. Các con ở độ tuổi ham chơi, chưa chín chắn nên đừng để con quá tự do trên thế giới ảo. Phụ huynh hãy là bạn đồng hành, cùng con tìm hiểu, trang bị kỹ năng, hướng dẫn cách sử dụng mạng an toàn cũng như phòng ngừa tác động xấu từ những mặt trái của nó, tránh để con sa vào những nội dung tiêu cực”.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH