Ngày 6-11, các bộ trưởng quốc phòng Đức và Pháp nói rằng châu Âu sẽ phải chuẩn bị cho khả năng Washington không hỗ trợ an ninh cho châu lục sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius (trái) và người đồng cấp Pháp Lecornu tại cuộc họp báo ngày 6-11. Ảnh: Getty Images
“Với việc tân tổng thống Mỹ có quan điểm chính trị khác với những người tiền nhiệm, chúng ta cần xoay xở, chuẩn bị cho tình huống”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với các phóng viên sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu tại Paris.
Cuộc gặp trên diễn ra theo đề xuất của ông Pistorius nhằm thảo luận về “hậu quả” tiềm tàng của việc ông Trump tái đắc cử. Những hậu quả này được cho là rất lớn đối với an ninh châu Âu và tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bộ trưởng Pistorius dự đoán rằng Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump có thể hướng “sự chú ý” về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc được coi là mối quan tâm chiến lược hàng đầu của Washington.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng thanh kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xây dựng châu lục này “thống nhất hơn”.
Tổng thống Macron từ lâu đã cảnh báo rằng NATO không còn có thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh và phải tiến xa hơn trên con đường hội nhập EU để có thể hành động độc lập với Washington.
Giới lãnh đạo EU lo ngại việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể dẫn đến kịch bản Mỹ rút khỏi NATO, tước đi chiếc ô an ninh mà châu Âu được hưởng kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Mỹ đã cung cấp nhiều năng lực quân sự đắt đỏ và là lực lượng răn đe hạt nhân chính của liên minh này.
Chi tiêu quốc phòng trở thành tâm điểm
Ông Trump vốn là người hoài nghi NATO. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên từ năm 2017-2021, ông thường cáo buộc các nước châu Âu lợi dụng sức mạnh quân sự của Mỹ và chi quá ít cho quốc phòng.
Khi vận động tranh cử hồi đầu năm nay, ứng viên đảng Cộng hòa này thậm chí nói rằng sẽ “khuyến khích” Nga tấn công bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với liên minh quân sự gồm 32 thành viên.
Do vậy, khi gọi điện chúc mừng ông Trump đắc cử, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã thông báo rằng 2/3 thành viên NATO hiện chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, trong khi chi tiêu và sản xuất quốc phòng đang trên đà tăng trưởng trên toàn khối quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Lecornu thì cho biết Pháp sẽ kêu gọi NATO xem xét kỹ hơn những đóng góp quân sự thực tế của các đồng minh, thay vì chỉ chi 2% GDP.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm cách thúc đẩy hoạt động sản xuất vũ khí của châu lục và có kế hoạch triển khai chương trình mua sắm vũ khí chung trong 5 năm tới. Brussels cũng nỗ lực tăng cường quan hệ với NATO để xua tan nỗi lo của các nước thành viên ở vùng Baltic rằng chính sách quốc phòng chung của EU có thể làm suy yếu khối quân sự này.
Hồi đầu tuần, Thủ tướng Luxembourg Luc Frieden đã đề nghị EU thảo luận về việc thành lập quân đội châu Âu trước “nguy cơ” ông Trump trở lại Nhà Trắng và cuộc chiến ở Ukraine.
HẠNH NGUYÊN (Theo Telegraph, Politico)