Đáp ứng xu thế toàn cầu hóa, tại TP Cần Thơ, một số trường đại học (ĐH) đã, đang mở chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn, cũng như tăng cường gắn kết giữa các trường ĐH, doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học…
Lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ ký kết bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp tại hội thảo.
Đón đầu xu thế hội nhập
Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của khoa học - công nghệ. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như Intel, Qualcomm, Infineon, Amkor có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỉ USD tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 791/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tháng 9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Chương trình đưa ra mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn...
Từ chính sách trên, nhiều trường ĐH trên cả nước, bao gồm các trường ở TP Cần Thơ, như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ, đã mở chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn. Theo NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trường phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trường ĐH theo định hướng ứng dụng, quản lý liên ngành kỹ thuật công nghệ, phù hợp với xu thế phát triển. Nhà trường xác định trách nhiệm tiên phong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để phục vụ phát triển TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước. Hiện nay, trong số 22 ngành đang đào tạo của Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, có chuyên ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn được mở năm 2024, với khoảng 50 sinh viên. Tiến sĩ Dương Ngọc Ðoàn, Khoa Ðiện - Ðiện tử - Viễn thông của trường, cho biết: “Để mở chương trình đào tạo này, trường đã tham khảo kinh nghiệm từ nhiều trường ĐH; đào tạo, bổ sung đội ngũ giảng viên; khảo sát ý kiến doanh nghiệp, mời các doanh nghiệp tham gia quá trình phát triển chương trình đào tạo; đồng thời hợp tác với các chuyên gia, doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo phù hợp”.
Tại Trường ÐH Cần Thơ, trong 8 ngành mới tuyển sinh năm nay, có ngành Kỹ thuật máy tính, chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngành này do Khoa Ðiện tử - Viễn thông, Trường Bách Khoa thuộc Trường ÐH Cần Thơ phụ trách đào tạo. Trường đã có nền tảng trong đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính từ năm 2008, nên về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đã được đầu tư hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, nhà trường hợp tác với một số tập đoàn lớn về thiết kế vi mạch của Hoa Kỳ (như Cadence, Synopsys…) xây dựng khung kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
TS Lương Vinh Quốc Danh, Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Bách khoa thuộc Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Trường là 1 trong 18 ĐH, trường ĐH trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trường đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước. Việc hợp tác này tạo cơ hội cho sinh viên thực tập ngay tại TP Cần Thơ. “Trường đã ký kết với một số đơn vị doanh nghiệp ở Đài Loan, Trung Quốc thông qua trao đổi học tập kinh nghiệm giữa cán bộ giảng viên, đào tạo cán bộ nước ngoài. Đây là điều kiện để trường nâng cao chất lượng đào tạo ngành này”, TS Lương Vinh Quốc Danh nói thêm.
Hợp tác để phát triển
Tại Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong xu thế hội nhập”, do Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tổ chức mới đây, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ, giảng viên các trường ĐH và doanh nghiệp trong và ngoài thành phố cho rằng cần thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực lĩnh vực này, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các trường ĐH cũng như sự đầu tư nguồn lực cho các trường ĐH từ Trung ương, địa phương. Theo TS Lương Vinh Quốc Danh, các trường mong muốn mở rộng quy mô đào tạo, cơ sở vật chất thông qua đề án của Chính phủ về kinh phí mua sắm trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên để có thể tiếp cận công nghệ mới từ nước ngoài. Đồng thời, tăng cường hợp tác với trường ĐH trong vùng để xây dựng mạng lưới đào tạo vi mạch bán dẫn phục vụ phát triển ĐBSCL và cả nước.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP TUMIKI, cho biết từ năm nay, công ty đã phối hợp các đối tác nước ngoài để xây dựng chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, qua việc phối hợp với các trường thực hiện các giải pháp thiết bị và chương trình đào tạo. Sinh viên học chuyên ngành vi mạch bán dẫn phải thực hành nhiều, trong khi việc đầu tư trang thiết bị thực hành tốn rất nhiều chi phí. Công ty mong muốn xây dựng các giải pháp bao gồm đưa các phần mềm mô phỏng để sinh viên tiếp cận với các công nghệ mới, hiểu được nguyên lý…, qua đó thực hành nhiều hơn và giảm được chi phí đầu tư, chi phí hoạt động của nhà trường, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Công ty CP TUMIKI đã ký kết với 8 trường ĐH ở TP Đà Nẵng; tổ chức chương trình giới thiệu với 16 trường nghề ở TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, công ty đã phối hợp với Trường ĐH Việt Pháp và với các trường nghề ở phía Bắc. Tại TP Cần Thơ, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ là trường ĐH đầu tiên mà công ty phối hợp xây dựng chương trình và lộ trình đào tạo, thực hành và kết hợp với các trường ĐH ở Đài Loan.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Bán dẫn là một lĩnh vực mới và yêu cầu sự đầu tư rất lớn. Để không chậm chân so với thế giới, việc kết hợp giữa doanh nghiệp - nhà trường và các trường ở nước ngoài là xu hướng. Qua đó, đảm bảo sinh viên học và được thực hành. Việc phối hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường vừa giúp công tác đào tạo của các trường sát hơn với yêu cầu thực tế vừa giúp doanh nghiệp tuyển được nhân sự phù hợp. “Hiện tại, rất cần các bộ ban ngành phối hợp để đưa ra được một chương trình tổng thể cho tất cả các trường, các thầy cô an tâm giảng dạy theo đúng một chương trình phù hợp với xu hướng của Việt Nam và thế giới”, ông Nguyễn Quốc Tuấn đề xuất.