Các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Cờ Đỏ luôn tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Đặc biệt, các cấp Hội quan tâm chăm lo đời sống và tạo môi trường sinh hoạt năng động, thu hút đông đảo chị em tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Lãnh đạo Hội LHPN xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (bên trái) tham quan mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Vy.
Năng động chuyển đổi mô hình sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu nông sản sạch là hướng đi được chị Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nam Vy thực hiện và hướng dẫn xã viên. Chị Bích Vân chia sẻ: “Được Hội LHPN huyện Cờ Đỏ thành lập vào năm 2023, HTX hiện có 10 xã viên chuyên sản xuất hoa màu, cây ăn trái và lúa trên diện tích 12,5ha. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm cũng như giúp xã viên có được đầu ra ổn định, HTX đã hướng dẫn canh tác theo hướng hữu cơ; bắt tay hợp tác với các công ty thu mua nông sản sạch. Mỗi năm, ngoài bán cho thương lái, các xã viên cung ứng cho công ty thu mua nông sản sạch khoảng 2 tấn mãng cầu, 1 tấn mận An Phước...”.
Riêng gia đình chị Bích Vân đang canh tác rau thủy canh với khoảng 1.000m2 trong nhà lưới. Chị được Hội hỗ trợ, tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trang thiết bị. “Mỗi ngày, tôi bán khoảng 50-60kg rau các loại cho công ty thu mua nông sản sạch và đầu mối ở chợ. Từ việc bán rau, tôi có thu nhập khoảng 17 triệu đồng/tháng”.
Toàn xã Thới Hưng hiện có 2.356 hội viên phụ nữ. Hội LHPN xã quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để xây dựng mô hình, hoạt động phù hợp. Trong đó, tập trung giải quyết việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Chị Võ Thị Hồng Lạc, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Hưng, cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội tiếp tục duy trì các mô hình, tổ hợp tác đan ráp lú, đan dây nhựa, may gia công... Trong đó, mô hình đan dây nhựa tạo hiệu quả, tăng thu nhập rõ rệt, với 235 thành viên; thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng”. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ 997 lượt chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; giúp 3 hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 182 lao động nữ...
Xã Trung Thạnh hiện có 6 chi hội phụ nữ ấp với 3.280 hội viên. Đa phần phụ nữ trên địa bàn làm nông nghiệp, buôn bán, nội trợ. Theo chị Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Thạnh, những năm qua, Hội LHPN xã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp với thực tế địa phương. Hội hỗ trợ nữ tiểu thương tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; vận động tham gia câu lạc bộ (CLB) “Nữ tiểu thương đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”; tuyên truyền các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, cài đặt ứng dụng thanh toán qua tài khoản, không dùng tiền mặt... Đối với phụ nữ làm nội trợ, Hội phối hợp mở các lớp dạy nghề đan dây nhựa; duy trì nhiều mô hình phát triển kinh tế, như tổ hợp tác đan ráp lú, tổ hợp tác cơm rượu... giúp hội viên, phụ nữ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đã phát triển mới 559 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 25.129 người. Theo chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội quan tâm rà soát thực trạng, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; xây dựng các mô hình phù hợp với từng đối tượng phụ nữ. Nổi bật là các hoạt động chăm lo, hỗ trợ hội viên phụ nữ Khmer với nhiều mô hình hiệu quả, như: HTX Làng nghề Cờ Đỏ; mô hình “Phụ nữ dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; CLB “Phụ nữ dân tộc chấp hành tốt pháp luật”; CLB “Phụ nữ dân tộc Khmer duy trì, phát huy nghề làm bánh truyền thống”... Các cấp Hội giới thiệu 164 lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp; thành lập mới 10 tổ hợp tác đan ráp lú cùng nhiều mô hình làm móc câu, may gia công, gia công hạt điều, cung cấp nguyên liệu đan lục bình...
Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, duy trì sinh hoạt các mô hình “1+1”, “Chi hội 3 có, 3 biết”, “Phụ nữ đi chợ bằng giỏ xách nhựa hạn chế sử dụng túi ni lông” gắn với cam kết thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”; CLB “Múa Dân vũ”, CLB “Bóng chuyền hơi”... Thông qua các mô hình, hoạt động các cấp Hội đã và đang phát huy hiệu quả việc tập hợp, tạo môi trường gắn kết các tầng lớp phụ nữ. Nhờ đó, chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ huyện ngày càng phát triển, nâng cao tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên.
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC