Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ luôn phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng và duy trì xã, phường, thị trấn không nợ quá hạn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách (TDCS). Và để công tác này đạt hiệu quả, cần có sự Quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của NHCSXH với các hội, đoàn thể nhận ủy thác cũng như ý thức thực hiện nghĩa vụ của hộ vay.
Hộ dân phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt vay vốn ưu đãi mở rộng kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Quản lý hiệu quả vốn vay
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Thốt Nốt, đến cuối tháng 10-2024, tổng dư nợ các chương trình TDCS trên 476 tỉ đồng, với 10.490 hộ còn dư nợ; nợ quá hạn gần 1,3 tỉ đồng, tỷ lệ 0,27%. Toàn quận có 219 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), trong đó, có 198 tổ xếp loại tốt, khá; 172/219 tổ TK&VV không nợ quá hạn.
Là phường không có nợ quá hạn, các hội, đoàn thể nhận ủy thác phường Trung Nhứt đã nỗ lực duy trì chất lượng và hiệu quả TDCS. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn vốn, lãi đúng hạn hằng tháng. Với việc kinh doanh tiệm tạp hóa và nước giải khát, chị Nguyễn Thị Thi ở khu vực Tràng Thọ B, làm ăn hiệu quả, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Mỗi ngày, chị Thi mở cửa tiệm từ 4 giờ sáng, phục vụ khách hàng đến tầm 21 giờ, lợi nhuận từ 350.000 đồng trở lên. Chị Thi vui vẻ cho biết: “Việc mua bán ngày càng thuận lợi, tôi tích lũy vốn mua nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Với 40 triệu đồng vốn vay ưu đãi, tôi sửa sang cửa tiệm, bổ sung hàng hóa dồi dào. Hằng tháng, tôi đóng lãi và gởi tiết kiệm 500.000 đồng”. Chị Nguyễn Thị Thu Sương, Tổ trưởng tổ TK&VV, khu vực Tràng Thọ B, nói: “Tôi đang quản lý 2,2 tỉ đồng, với 57 tổ viên vay để sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tôi thường xuyên trao đổi, động viên chị em, nắm tình hình làm ăn, tâm tư nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ khi cần. Hầu hết tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, trả lãi, gửi tiết kiệm đầy đủ hằng tháng”.
Ông Huỳnh Việt Tiến, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Cái Răng, cho biết, toàn quận có 167/171 tổ TK&VV xếp loại tốt, khá; 159/171 tổ không nợ quá hạn. 2 phường Phú Thứ và Hưng Thạnh không nợ quá hạn, trong đó, phường Phú Thứ có 36 tổ TK&VV, dư nợ 102 tỉ đồng, với 1.710 hộ vay; phường Hưng Thạnh có 19 tổ TK&VV, dư nợ gần 60 tỉ đồng, với 873 hộ vay. Mấy năm qua, chị Phạm Hà Anh Thư, khu vực 3, phường Hưng Thạnh, mở tiệm làm đẹp tại nhà để có thu nhập, đảm bảo chi tiêu gia đình. Chị Thư được Hội LHPN phường giới thiệu vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi để mở rộng quy mô cửa tiệm. Chị Thư nói: “Tôi đầu tư vốn mở thêm các phòng massage, bấm huyệt thư giãn, mua sắm một số thiết bị làm đẹp cần thiết. Mỗi tháng, với thu nhập từ 9 triệu đồng, tôi trích đóng lãi và gởi tiết kiệm”.
Hiện quận Bình Thủy có 5 phường không nợ quá hạn; mỗi quận Ninh Kiều và Ô Môn có 1 phường không nợ quá hạn; mỗi huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh có 2 xã không nợ quá hạn.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động
Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, hiện thành phố có 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay, với 114 hội cấp xã, phường, thị trấn và 1.629 tổ TK&VV đang quản lý vốn vay các chương trình TDCS. Dư nợ các chương trình TDCS trên 4.423 tỉ đồng, với 95.567 hộ còn dư nợ; nợ quá hạn 9,7 tỉ đồng, tỷ lệ 0,22%. Có 14 xã, phường, thị trấn không nợ quá hạn. Ðể nâng cao chất lượng TDCS, hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ TK&VV phối hợp trưởng ấp, khu vực đã tổ chức bình xét cho vay công khai, đúng đối tượng; có mô hình, dự án làm ăn rõ ràng, số tiền bình xét cho vay phù hợp giá trị hộ vay đầu tư… Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi việc nộp lãi, gửi tiết kiệm hằng tháng của tổ viên; hỗ trợ kỹ thuật, phương án sản xuất, kinh doanh, lồng ghép các chương trình, chính sách khác, giúp hộ vay sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn TDCS.
Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì tỷ lệ nợ quá hạn bằng hoặc thấp hơn mức bình quân toàn hệ thống; tiếp tục nâng dần số xã, phường, thị trấn không nợ quá hạn bằng cách đôn đốc hộ vay vốn trả nợ, lãi đúng hạn. Ðồng thời, tập trung kiện toàn hoạt động tổ TK&VV, quan tâm nâng chất các tổ xếp loại yếu; đảm bảo chất lượng kiểm tra, giám sát của hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp cũng như tiếp tục rà soát, xử lý nợ hộ vay vốn NHCSXH đi khỏi nơi cư trú.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG