25/11/2024 - 10:50

Đảm bảo việc làm ổn định cho chị em 

Không khí làm việc tại cơ sở may gia công của chị Hà Thị Kim Liên, khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, luôn khẩn trương. Hầu hết nhân công là phụ nữ trên địa bàn, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chị Kim Liên (đứng bên trái) giới thiệu mẫu đầm thiết kế mới cơ sở đang nhận may gia công.

Vừa đôn đốc nhân công tập trung làm việc, vừa kiểm tra từng đường may trên các sản phẩm, chị Hà Thị Kim Liên kể cơ duyên “sở hữu” cơ sở may. Biết nghề từ năm 17 tuổi, chị Liên nhận hàng cắt may trang phục tại nhà nên tay nghề ngày càng thành thạo, khéo léo. Nắm bắt xu hướng thị trường, năm 2022, sau khi chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, thiết bị, nhân lực, chị Liên thành lập cơ sở may gia công và ký kết hợp đồng may mặt hàng đầm thiết kế cho doanh nghiệp may tại quận Thốt Nốt. Chị Liên cho biết: “Để được ký kết hợp đồng, tôi may ráp mấy lượt hàng mẫu và đạt yêu cầu kỹ thuật. Mỗi khi chuyển sang kiểu dáng thiết kế mới, tôi phải đến doanh nghiệp may mẫu mới được nhận hàng. Tôi hướng dẫn chị em may và sửa từng công đoạn, tránh việc tháo, ráp lại sản phẩm. Tôi mở cơ sở may với mong muốn giúp chị em trung niên ổn định việc làm, phát triển kinh tế gia đình, làm chủ bản thân, tiến bộ hơn trong cuộc sống”.

Theo chị Liên, nghề may gia công muốn bền vững, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, tạo ra sản phẩm đẹp, phục vụ nhu cầu thị trường tiêu dùng. Quá trình làm việc, chị Liên chú trọng rèn chị em tinh thần đoàn kết, chia sẻ, trách nhiệm và chấp hành kỷ luật. Hiện cơ sở may có 10 nhân công, sẵn sàng tăng ca để đảm bảo sản lượng hằng ngày. Mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/chị/tháng. Chị Lê Thị Thủy, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, có “thâm niên” 20 năm làm nghề thợ may. Gần 2 năm tham gia cơ sở may gia công, chị Thủy có thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Chị Thủy nói: “Nghề này phù hợp với điều kiện gia đình tôi. Tôi hài lòng với mức thu nhập hiện tại và an tâm vì có thời gian chăm lo gia đình”. Không chỉ thu hút lao động tại chỗ, một số người trẻ trước đây đi làm xa cũng về quê lập nghiệp. Chị Nguyễn Thị Diệu, khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, sau 8 năm bôn ba làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng, năm 2023, chị quyết định về chăm sóc cha mẹ già yếu và vào cơ sở may làm việc.

Chị Kim Liên cho biết thêm, số nhân công đáp ứng yêu cầu sản xuất, đồng thuận tăng ca, hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ. Do cơ sở nhỏ hẹp nên một số chị em mang hàng về nhà may, khó kiểm tra kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Mặt khác, cơ sở đang thiếu nhân công đối với các đơn hàng gấp, số lượng nhiều, nhất là thời điểm cận lễ, Tết. Chị Kim Liên có nhu cầu tuyển và đào tạo lao động để chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất thời gian tới. “Hiện nguồn hàng may dồi dào, nhiều chị em trong và ngoài khu vực đăng ký vào làm. Tôi mong muốn được địa phương xem xét hỗ trợ tăng nguồn vốn vay để nâng cấp nhà xưởng, mua sắm thiết bị, máy móc, phục vụ nhu cầu cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu hút nguồn lao động tại chỗ “ - Chị Kim Liên chia sẻ.

Bài, ảnh: MAI THY

Chia sẻ bài viết