21/11/2024 - 09:41

Cần Thơ trước áp lực mục tiêu tăng mức sinh 

Trong vòng 1 thập kỷ qua, tỷ suất sinh của phụ nữ ở TP Cần Thơ biến động theo chiều hướng giảm, đặc biệt giảm sâu vào năm 2023, ở mức 1,44 con/phụ nữ. Tỷ lệ này rất thấp so với mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý ngại sinh, cả chủ quan và khách quan. Ngành chức năng đã báo động về thực trạng này cùng những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai; đồng thời, kêu gọi các cấp, các ngành chung tay thực hiện các giải pháp khuyến sinh trong cộng đồng.

Chị Liêu Thúy Phượng, Trưởng Phòng Dân số - KHHGĐ và Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế quận Cái Răng (bên phải) kiểm tra kết quả công tác dân số ở phường Lê Bình.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, cán bộ dân số phường Lê Bình, quận Cái Răng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn phường có khoảng 190 trường hợp sinh con, nhưng chỉ khoảng 70 trường hợp sinh lần 2, không đạt tỷ lệ 60% phụ nữ trong độ tuổi sinh đủ 2 con theo tiêu chí. Ðội ngũ cộng tác viên cũng tích cực tuyên truyền, nhưng tiêu chí này rất khó thực hiện đạt bởi liên quan đến trình độ, sở thích và mong muốn số con của bản thân người phụ nữ. Môi trường sống với điều kiện việc làm, nguồn lực tài chính cũng ảnh hưởng quan trọng đến việc chị em quyết định dừng lại ở 1 con hay sinh đủ 2 con.

ThS Y tế công cộng Liêu Thúy Phượng, Trưởng Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) và Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế quận Cái Răng, cho biết: Ðến thời điểm này, các chương trình, chỉ tiêu về công tác dân số của địa phương đều đạt, ngoại trừ chỉ tiêu mức sinh. Từ năm 2021, quận đã triển khai thí điểm mô hình sinh đủ 2 con và nhân rộng qua từng năm. Tuy nhiên, qua kết quả phúc tra ban đầu, năm nay không có phường nào trong 7 phường của quận đạt chỉ tiêu này.

Theo chị Liêu Thúy Phượng, từ khi ngành dân số thành phố chuyển trọng tâm công tác từ dân số - KHHGÐ sang dân số và phát triển, ngành dân số địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giai đoạn trước, cán bộ, cộng tác viên dân số chủ yếu tuyên truyền các cặp vợ chồng thực hiện KHHGÐ, mỗi cặp vợ chồng nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt. Khi đó, nguồn kinh phí cấp cho công tác dân số cũng dồi dào, từ trung ương đến địa phương. Nhưng hiện nay, kinh phí liên tục cắt giảm và chậm cấp, ngành dân số địa phương lại đảm đương rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ vận động nâng mức sinh đến tầm soát trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,… Với mục tiêu nâng mức sinh, cần phải có chiến lược lâu dài, trong đó ngành dân số thay đổi giải pháp tuyên truyền, tăng cường sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và cần có nguồn kinh phí thỏa đáng cho chiến lược tăng mức sinh.

BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, ngành dân số đã triển khai nhiều giải pháp tăng mức sinh của thành phố. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, quán triệt sâu sắc việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, vận động thay đổi hành vi trong cộng đồng; điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ điều chỉnh mức sinh; đề xuất ban hành quy định về việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc sinh đủ 2 con.

Theo BS Ngọc Ðảnh, hiện nay vấn đề vận động các cặp vợ chồng sinh thêm con hết sức khó khăn bởi nhiều lý do, trong đó có lý do là không đảm bảo điều kiện kinh tế nuôi dạy con. Mặt khác, một số cặp vợ chồng có điều kiện, muốn sinh thêm con thì vướng những quy định đối với, cán bộ, công chức, viên chức... Vì vậy, đề nghị trung ương sớm có giải pháp cải thiện mức sinh đối với những tỉnh/thành có mức sinh thấp là trao quyền tự quyết định thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, đảm bảo phù hợp sức khỏe, thu nhập.

Còn một số lý do khiến mức sinh của thành phố thấp do tình trạng hiếm muộn. Theo sổ quản lý cộng tác viên dân số 9 tháng đầu năm 2024, có hơn 1.100 phụ nữ trong độ tuổi 15-49 tuổi có chồng, chưa sinh con do bệnh lý. Nhóm này cần được quan tâm, hỗ trợ cung cấp dịch vụ khám và điều trị bệnh tại cơ sở y tế công lập chuyên khoa. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số và cán bộ y tế cần tập trung tuyên truyền tư vấn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản phòng ngừa hiếm muộn.

Theo dữ liệu dân số, số con bình quân/phụ nữ ở TP Cần Thơ lần lượt: Năm 2019: 1,66 con; năm 2020: 1,74 con; năm 2021: 1,68 con; năm 2022: 1,73 con; năm 2023: 1,44 con. 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết