Ấn Độ vừa thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm đầu tiên có khả năng đánh trúng đích ở cách hơn 1.500km, đánh dấu bước tiến đáng kể trong công nghệ quốc phòng của nước này, qua đó đưa New Delhi vào “câu lạc bộ” các quốc gia hàng đầu thế giới về vũ khí tiên tiến.
Tăng cường răn đe chiến lược
Theo hãng tin AFP, cuộc thử nghiệm diễn ra tại đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển phía Đông Ấn Độ hôm 16-11. Hình ảnh từ Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ cho thấy, tên lửa với thiết kế thon gọn đã rời bệ phóng, tạo nên luồng sáng rực trên bầu trời đêm.
Tên lửa siêu vượt âm DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: AFP
“Ấn Độ đã đạt được cột mốc quan trọng khi thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm tầm xa. Đây là khoảnh khắc lịch sử, đánh dấu bước tiến lớn, đưa Ấn Độ vào nhóm các quốc gia sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến và quan trọng bậc nhất” - Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố trong một thông cáo báo chí.
Cuộc thử nghiệm nói trên diễn ra chỉ ít lâu sau khi Ấn Độ phóng thử tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa, có tầm bắn hơn 1.000km và có thể phóng từ các bệ phóng trên mặt đất và trên biển, qua đó đánh dấu những tiến bộ đáng kể trong khả năng tên lửa của Ấn Độ, mang lại nhiều lựa chọn tấn công thông thường tầm xa cho quân đội quốc gia Nam Á này.
Giới phân tích cho rằng sở dĩ Ấn Độ theo đuổi chương trình phát triển tên lửa siêu vượt âm là bởi New Delhi muốn tăng cường răn đe chiến lược. Theo Rajesh Gupta, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ (Ấn Độ), nhờ sở hữu tốc độ, khả năng cơ động và độ chính xác cao, tên lửa siêu vượt âm có thể đóng vai trò là công cụ quan trọng trong chiến lược “răn đe” của Ấn Độ đối với Trung Quốc và Pakistan. Ông Gupta cho hay bằng cách phát triển năng lực siêu vượt âm, Ấn Độ đặt mục tiêu chống lại các mối đe dọa mới nổi từ các đối thủ, chẳng hạn như kho vũ khí siêu thanh đang mở rộng của Trung Quốc.
“Câu lạc bộ ưu tú” về vũ khí siêu vượt âm
Khoản đầu tư của Ấn Độ vào các hệ thống siêu vượt âm và cơ chế phòng thủ phù hợp còn giúp New Delhi gia nhập “câu lạc bộ ưu tú” các quốc gia sở hữu vũ khí siêu vượt âm để khẳng định sự ngang bằng về mặt chiến lược và ngăn chặn các đối thủ một cách hiệu quả. Hiện các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển tên lửa siêu vượt âm. Năm 2022, Nga đã bắt đầu triển khai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang tích cực theo đuổi công nghệ siêu vượt âm theo một chương trình đầy tham vọng. Theo đó, đầu năm nay, nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng trị giá 756 triệu USD để phát triển hệ thống vũ khí siêu vượt âm tầm xa. Giám đốc chuyên trách về vũ khí siêu vượt âm của quân đội Mỹ James Weber cho biết Lầu Năm Góc kể từ năm 2018 đã đầu tư hơn 12 tỉ USD vào việc phát triển hệ thống vũ khí tấn công siêu vượt âm, nhằm “cung cấp đa dạng các năng lực trên đất liền, trên biển và trên không”.
Đáng chú ý, hãng tin Bloomberg dẫn lời Jeffery McCormick, chuyên gia phân tích tình báo tại Trung tâm Tình báo hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ, cho biết Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển, thử nghiệm và triển khai các vũ khí siêu vượt âm. Theo ông McCormick, Trung Quốc sở hữu “kho vũ khí siêu vượt âm hàng đầu thế giới”. Trong đó, DF-17 là tên lửa siêu vượt âm nguy hiểm nhất của Bắc Kinh. Đây là tên lửa đạn đạo tầm trung, được triển khai năm 2020 và có tầm bắn ít nhất 1.600km, “cho phép nó tiếp cận căn cứ quân sự và các tài sản của hạm đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”.
Các nước khác cũng đang theo đuổi chương trình phát triển hệ thống tên lửa siêu vượt âm gồm Pháp, Đức, Úc, Nhật Bản, Iran, Israel và Triều Tiên.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000km/h, thường được mô tả là vũ khí “vô hình” do tốc độ bay rất cao và khả năng cơ động theo quỹ đạo phức tạp, giúp tăng tầm bắn và né tránh phần lớn hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Giới phân tích quân sự cho rằng vũ khí siêu vượt âm sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường. Nó có thể đánh trúng mục tiêu trước khi hệ thống phòng không đối phương kịp trở tay, đủ sức đe dọa các mục tiêu được bảo vệ kiên cố và nằm sâu trong vùng đối phương kiểm soát.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)