07/07/2025 - 08:38

Hành vi làm giả con dấu, mua bán hóa đơn 

Hành vi mua bán hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thu lợi bất chính sẽ bị xử lý hình sự. Tùy tính chất, mức độ mà cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ chịu hình phạt theo quy định.

Lực lượng chức năng triển khai thi hành lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của ông Ngô Chí Hiếu. Ảnh: Công an TP Cần Thơ

Quá trình điều tra vụ án “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Công ty TNHH Du lịch Mỹ Thuận, ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ (cũ) do ông Ngô Chí Hiếu làm giám đốc, lực lượng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Cần Thơ) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, mở rộng điều tra. Qua đó, xác định ông Ngô Chí Hiếu đã có hành vi xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng với mục đích bán các hóa đơn giá trị gia tăng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn TP Cần Thơ, thu phí 3-8% tổng giá trị thanh toán ghi trên hóa đơn đã tính thuế. Số tiền mà ông Ngô Chí Hiếu thu lợi bất chính từ việc mua bán trái phép hóa đơn lên đến hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, ông Hiếu đã làm giả các hóa đơn giá trị gia tăng của các công ty xuất cho Công ty TNHH Du lịch Mỹ Thuận với mục đích sử dụng để đối phó cung cấp cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra.

Từ chứng cứ, tài liệu thu thập được, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Chí Hiếu về tội mua bán trái phép hóa đơn và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các quyết định và lệnh đã được Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Phong Điền, TP Cần Thơ (cũ) phê chuẩn.

Ngày 17-6-2025, lực lượng Cảnh sát kinh tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức thi hành, tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Chí Hiếu. Đồng thời, thực hiện lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Ngô Chí Hiếu tại ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ (cũ). Quá trình khám xét lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, thu giữ và niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội của Ngô Chí Hiếu. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017) quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: Người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 2-5 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; thu lợi bất chính 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3-7 năm: sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017) cũng quy định tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội nói trên, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định 1-3 năm hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.

Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết