Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) trong Bản đồ viện trợ Thái Bình Dương vừa được công bố cho thấy, Trung Quốc sau khi cắt giảm viện trợ cho Thái Bình Dương vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát đã tăng viện trợ dành cho khu vực này trong những năm gần đây. Trung Quốc qua đó thay thế Mỹ, trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai cho khu vực.
Dự án xây dựng sân vận động ở thủ đô Honiara (Quần đảo Solomon) do Trung Quốc tài trợ. Ảnh: ABC
Theo báo cáo, do ảnh hưởng của COVID-19, tổng nguồn tài chính viện trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương giảm mạnh trong năm 2022, lên tới 18%. Trong bối cảnh đó, khoản hỗ trợ phát triển trị giá 256 triệu USD đã giúp Bắc Kinh giành lại vị trí là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai của khu vực.
“Trung Quốc đã thoát khỏi tình trạng trì trệ do COVID-19 gây ra. Do đó, Bắc Kinh đã triển khai mô hình viện trợ có mục tiêu và cạnh tranh hơn. Sự gia tăng trong chi tiêu của Trung Quốc đi kèm với sự gia tăng trở lại trong các cam kết viện trợ báo hiệu sự hồi sinh của Bắc Kinh trong tham vọng tham gia vào các công trình cơ sở hạ tầng lớn ở Thái Bình Dương” - báo cáo có đoạn viết.
Song, Úc vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhằm mục tiêu thay thế sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại khu vực, Úc hồi năm 2022 cam kết viện trợ cho khu vực 1,46 tỉ USD. 750 triệu USD trong số này là dành cho các dự án ở Papua New Guinea, Fiji, Micronesia, Nauru và Palau. Trái lại, hỗ trợ phát triển từ Mỹ, New Zealand và Nhật Bản dành cho khu vực hồi năm 2022 đã giảm xuống dưới mức trước khi COVID-19 bùng phát. Được biết, số tiền mà Mỹ dành cho khu vực hồi năm 2022 là 249 triệu USD.
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2008-2016, Trung Quốc chiếm tới 89% nợ song phương của các quốc đảo Thái Bình Dương và đảm trách 1/3 tổng số công trình cơ sở hạ tầng song phương trong khu vực. Đến cuối năm 2016, các ngân hàng Trung Quốc cho khu vực vay hơn 1,1 tỉ USD, làm dấy lên lo ngại về cái gọi là “ngoại giao bẫy nợ”. Tuy nhiên, vào năm 2022, Trung Quốc dường như đã thay đổi chiến lược, tăng tài trợ cho Thái Bình Dương.
Theo tác giả của báo cáo Alexandre Dayant, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận “thông minh hơn” bằng cách triển khai nhiều khoản tài trợ hơn, thay vì chỉ cho các chính phủ Thái Bình Dương vay tiền để thực hiện các dự án. Bắc Kinh cũng hiệu chỉnh lại chiến lược viện trợ, chỉ rót tiền vào các dự án mục tiêu tại các quốc gia mà nước này muốn xây dựng ảnh hưởng nhất.
Ngược lại, Úc và các nhà tài trợ lớn khác ngày càng cho khu vực vay nhiều hơn. Trong khi các khoản cho vay chỉ chiếm 12% tổng số tiền viện trợ vào năm 2009 thì tỷ lệ này là 40% vào năm 2022. “Ngày càng có nhiều khoản cho vay dành cho Thái Bình Dương. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại bởi khu vực đang trong tình trạng nợ bấp bênh với nguy cơ vỡ nợ cao” - Dayant bày tỏ quan ngại. Theo ông này, “cuộc đua phát triển cơ sở hạ tầng” giữa Trung Quốc và Úc ở Thái Bình Dương có nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề, đặc biệt là khi Canberra sử dụng việc cho vay để củng cố ảnh hưởng chiến lược của nước này tại khu vực.
Năm 2024, Trung Quốc tiếp tục mạnh tay viện trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Thái Bình Dương. Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án nâng cấp đường tại đảo Vanua Levu (Fiji) trị giá 135 triệu USD. Dự án này được triển khai sau khi một số dự án do Bắc Kinh viện trợ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023, gồm dự án chuyển đổi truyền hình kỹ thuật số trị giá 75 triệu USD tại Papua New Guinea, dự án xây tháp di động Huawei trị giá 66 triệu USD tại Quần đảo Solomon và dự án xây dựng đường bộ tại đảo Malekula (Vanuatu) trị giá 120 triệu USD.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)