Việc hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên đang được huấn luyện tại Nga khiến Hàn Quốc lo ngại và cân nhắc đáp trả bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine, dù điều này được coi là nước cờ mạo hiểm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui trong chuyến thăm Mát-xcơ-va hôm 4-11. Ảnh: Reuters
Ðối với Hàn Quốc, sự hợp tác nói trên giữa Mát-xcơ-va và Bình Nhưỡng làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên đổi lại có thể nhận được các công nghệ quân sự tinh vi từ Nga. Trong một tuyên bố, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ đáp trả sự tham chiến của Triều Tiên ở Ukraine, gồm khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev, qua đó đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của xứ sở kim chi.
“Nếu Triều Tiên điều động lực lượng đặc nhiệm đến tham chiến tại Ukraine như một phần của sự hợp tác Nga - Triều Tiên, chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine theo từng giai đoạn, đồng thời sẽ cân nhắc và thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh trên Bán đảo Triều Tiên” - Tổng thống Yoon tuyên bố trong một cuộc họp báo mới đây.
Tổng thống Yoon và nhiều quan chức Hàn Quốc cấp cao khác xem sự tham gia trực tiếp của Bình Nhưỡng vào cuộc xung đột tại Ukraine là mối đe dọa đối với an ninh của Hàn Quốc và mang lại cho quân đội Triều Tiên nhiều kinh nghiệm chiến trường quý báu.
Trước mối bận tâm trên của chính quyền Hàn Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này sẽ cử một đại diện đến Seoul để đưa ra các yêu cầu “chi tiết” về hệ thống pháo binh và phòng không
thích hợp.
Song, triển vọng cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine đã bị phe đối lập Hàn Quốc phản đối dữ dội. Họ cho rằng chính lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Yoon đối với Triều Tiên đã đẩy Bình Nhưỡng vào “vòng tay” của Mát-xcơ-va. “Trang bị vũ trang cho Ukraine là một ý tưởng cực kỳ nguy hiểm, coi mạng sống của người dân như những quân cờ. Ông Yoon không nên lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Triều Tiên ở một vùng đất xa xôi. Việc Hàn Quốc tham gia sâu hơn vào cuộc chiến tại Ukraine sẽ có nguy cơ gây ra xung đột quân sự trên Bán đảo Triều Tiên” - lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập chính Park Chan-dae lo ngại.
Không riêng gì phe đối lập Hàn Quốc, công chúng nước này cũng cho thấy sự phản đối đối với việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo cuộc thăm dò do Gallup Korea thực hiện mới đây, chỉ 13% người Hàn Quốc được khảo sát ủng hộ việc Seoul hỗ trợ quân sự cho Kiev, trong khi 66% cho biết hỗ trợ chỉ nên giới hạn ở viện trợ phi quân sự và nhân đạo.
Theo giới phân tích, việc Hàn Quốc trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong sự tham gia của Seoul vào cuộc chiến. Ðến nay, Hàn Quốc chỉ giới hạn ở việc viện trợ nhân đạo và cung cấp vũ khí cho các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Song, để có thể cung cấp vũ khí cho Kiev, Seoul buộc phải sửa đổi Ðạo luật Thương mại Ðối ngoại, trong đó cấm nước này gửi vũ khí sát thương đến các khu vực xung đột, ngoại trừ việc chúng được sử dụng vì mục đích hòa bình.
“Sự hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho Ukraine có thể làm thay đổi toàn bộ cuộc xung đột. Các công ty Hàn Quốc không chỉ sản xuất vũ khí đẳng cấp thế giới theo yêu cầu để giúp Ukraine mà còn có năng lực cung cấp vũ khí thiết yếu với tốc độ có thể tạo ra sự khác biệt” - Henry Haggard, cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn WestExec Advisors, nhận định.
Ngược lại, Son Key-young, giáo sư quan hệ quốc tế tại Ðại học Hàn Quốc, nói rằng là một quốc gia có thể duy trì sự ổn định tương đối trong nhiều thập niên mà không tham gia trực tiếp vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào thì việc Hàn Quốc lao vào cuộc xung đột tại Ukraine sẽ đi ngược lại xu hướng của xã hội và chính sách của chính phủ.
Kể từ khi Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt sau cuộc chiến liên Triều 1950-1953, Hàn Quốc tập trung vào ngoại giao để xây dựng các mối quan hệ thương mại để thúc đẩy nền kinh tế xuất khẩu. Trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng thành một nền kinh tế phát triển, Hàn Quốc chủ yếu tạo ảnh hưởng thông qua quyền lực mềm. Sự tham gia quân sự của nước này ở nước ngoài, chẳng hạn như trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, chỉ giới hạn ở các đợt triển khai quân nhỏ lẻ.
Trong một bài đăng trên Telegram vào ngày 4-11, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Ukraine Andriy Kovalenko xác nhận lực lượng nước này đã có cuộc giao tranh đầu tiên với quân đội Triều Tiên tại khu vực Kursk của Nga. Theo các báo cáo tình báo quân sự của Ukraine vào tuần trước, khoảng 12.000 binh lính Triều Tiên, bao gồm 500 sĩ quan và 3 tướng lĩnh, đã được triển khai đến Nga, và hiện tại đã có hơn 11.000 binh lính Triều Tiên đặt chân đến Kursk.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)