24/11/2024 - 09:00

Elon Musk giúp Mỹ tinh giản chính phủ thế nào? 

Ðược Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm người phụ trách ban mới của chính phủ về cắt giảm chi phí, “ông trùm công nghệ” Elon Musk đang đối mặt nhiều câu hỏi về khả năng thực thi cải cách trong thời gian ngắn, đặc biệt sự khác nhau giữa các công ty tư nhân của ông với bộ máy công quyền.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và ông Elon Musk thường xuyên xuất hiện cùng nhau trong các sự kiện chính trị và xã hội thời gian gần đây. Ảnh: Business Insider

Chính phủ chỉ cần 99 cơ quan thay vì hơn 400

Tổng thống đắc cử Trump chỉ định người giàu nhất thế giới làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE), bên cạnh doanh nhân công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy. Mục tiêu của DOGE là giúp Washington hoạt động "tốt và trơn tru" bằng cách thúc đẩy cắt giảm "các quy định dư thừa, những khoản chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc bộ máy quan liêu của chính phủ". Hoạt động của cơ quan nói trên dự kiến kéo dài đến ngày 4-7-2026.

Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, tỉ phú Musk từng nói rằng chính quyền liên bang chỉ cần 99 cơ quan thay vì hơn 400 như hiện nay. Trong một phiên bản cực đoan, nhiều người lo ngại ông Trump và tỉ phú Musk có thể loại bỏ bất kỳ vị trí nào họ không tìm được người được bổ nhiệm phù hợp.

Về ngân sách, ông Musk có ý cắt giảm ít nhất 2.000 tỉ USD bị coi là "lãng phí", tương đương 30% tổng chi tiêu chính phủ liên bang. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, chính quyền liên bang đã chi 6.750 tỉ USD trong năm tài khóa 2024 (tính từ tháng 10-2023 đến tháng 9-2024). Trong đó, 13% ngân sách (khoảng 880 tỉ USD) dùng trả lãi các khoản nợ quốc gia, 22% (1.460 tỉ USD) chi trợ cấp an sinh xã hội và một phần khác dành cho chương trình bảo hiểm y tế cho người Mỹ trên 65 tuổi (Medicare). Ðây đều là những "chi tiêu bắt buộc", vì lẽ này, nhiều người dự đoán chính quyền mới sẽ nhắm vào khoản "chi tiêu tùy ý" khi DOGE đi vào hoạt động.

Cái gọi là "chi tiêu tùy ý" là khái niệm chỉ những danh mục phải được các nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua hàng năm nhưng không nằm trong quy định theo luật, bao gồm ngân sách quốc phòng (874 tỉ USD), giao thông vận tải (137 tỉ USD) cùng với giáo dục, đào tạo, việc làm và dịch vụ xã hội (305 tỉ USD). Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, phần này chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu của chính phủ liên bang trong năm tài chính 2023, hơn một nửa nguồn tiền trong đó dành cho quốc phòng. Nếu theo đề xuất của ông Musk, giới phân tích cảnh báo Mỹ phải đóng cửa nhiều cơ quan trong ngành giao thông, nông nghiệp đến an ninh nội địa để hoàn thành mục tiêu.

Rất hứng thú ngay sau khi được "chọn mặt gửi vàng", ông Musk ngay lập tức bắt tay vào tuyển dụng nhân sự để vận hành DOGE. "Chúng tôi cần những nhà cách mạng chính phủ có chỉ số IQ cực cao sẵn sàng làm việc hơn 80 giờ một tuần để cắt giảm những chi phí liên bang không cần thiết", thông báo của DOGE trên mạng xã hội X nêu rõ. Ðặc biệt, người trúng tuyển vào DOGE sẽ không được trả lương. Ông Musk cũng liên tục đăng trên X về sự lãng phí của chính phủ. "Quy mô lãng phí của chính phủ thật là đáng kinh ngạc!", ông viết hôm 13-11 sau khi được bổ nhiệm giữ ghế điều hành DOGE.

"Thà cắt giảm nhầm còn hơn bỏ sót"

Khi được bổ nhiệm, Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla không nói rõ làm thế nào hay khoảng bao lâu thì "tiết kiệm" được ít nhất 2.000 tỉ USD cho ngân sách liên bang. Dù vậy, nhiều người dự đoán tỉ phú Musk sẽ mang những chiến lược cắt giảm khắc khổ vào Chính phủ Mỹ, tương tự cách làm tại các doanh nghiệp do ông làm chủ.

Tỉ phú giàu nhất thế giới được mô tả như "hung thần cắt giảm" bởi triết lý "thà cắt nhầm hơn bỏ sót" được ông áp dụng không chỉ tại Twitter mà còn ở Tesla và SpaceX. "Ông ấy từng là một vị thần. Nhưng thực ra ông ấy chỉ là một doanh nhân. Ông ấy muốn cắt giảm đến tận xương", cựu phó chủ tịch phát triển kinh doanh của SpaceX Jim Cantrell cho biết.

Trong khi thực hiện kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ, chính quyền Trump 2.0 sẽ thúc đẩy mục tiêu giảm thuế, tăng ngân sách phòng thủ tên lửa nội địa, siết chặt an ninh biên giới và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp cùng nhiều dự án đầy tham vọng khác. Theo Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB), kế hoạch thuế và chi tiêu của ông Trump có thể khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng 7.500 tỉ USD trong 10 năm tới. 

Nhiều người chắc hẳn sẽ nhớ đợt sa thải hàng loạt tại công ty truyền thông mạng xã hội Twitter, nay được gọi là X sau khi ông Musk hoàn tất việc mua lại thực thể này vào năm 2022. Kể từ đó, khoảng hơn 6.000 nhân viên Twitter đã bị sa thải, tương đương 80% lao động của công ty. Mặc dù vậy, vị tỉ phú 53 tuổi vẫn không hài lòng với vấn đề "chi tiêu vượt kiểm soát" của X và tiếp tục cắt giảm thêm nhiều khoản chi khác, từ phí thuê xe hơi hạng sang cho các CEO đến ngừng chi trả dịch vụ vệ sinh tại văn phòng. Chiến lược cải tổ mạnh mẽ này vốn không mới, bởi ông Musk từ khi khởi nghiệp đã rất "nhạy cảm" với vấn đề chi phí. Có lúc, ông còn ngủ tại văn phòng để tiết kiệm tiền thuê nhà trong giai đoạn lập công ty phần mềm Zip2 năm 1995.

Sau khi bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỉ USD vào năm 2002, Musk đã dành 100 triệu USD lập SpaceX để chế tạo tên lửa rẻ hơn Chính phủ Mỹ. Vì mục tiêu trên, SpaceX đã đơn giản hóa cấu trúc nhằm loại bỏ linh kiện không cần thiết. Hãng còn tự sản xuất phần lớn linh kiện, sau khi bị nhà cung cấp từ chối yêu cầu giảm 90% giá các bộ điều khiển cơ học. Dựa vào cách thức đó, SpaceX đã giảm đáng kể phí đầu vào và tạo ra sự bùng nổ trong ngành không gian thương mại. Lấy ví dụ chương trình Falcon 9, SpaceX sản xuất tên lửa đẩy 2 tầng có thể tái sử dụng với kinh phí khoảng 550 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 4 tỉ USD mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính nếu tự phát triển. Chi phí đưa một kg hàng hóa lên quỹ đạo hiện cũng giảm còn khoảng 2.600 USD so với 65.000 USD trên tàu con thoi của NASA.

Các biện pháp tương tự, thậm chí khắc nghiệt hơn cũng được áp dụng với Tesla, như yêu cầu cắt bỏ các khoản chi nhỏ như ngũ cốc miễn phí trong văn phòng. Ðể chứng minh công ty không ngại giảm bất cứ điều gì nhằm đảm bảo tài chính, vị CEO này từ năm 2021 chỉ sử dụng camera thay vì cảm biến radar cho công nghệ tự lái vốn đắt hơn.

Ðối với luồng ý kiến phản đối rằng cắt giảm hàng loạt không phù hợp chuẩn mực và quy trình thông thường, quan điểm của tỉ phú Mỹ gốc Nam Phi là "sẵn sàng chịu đựng" miễn tiết kiệm chi phí. Theo ông, các vấn đề sau đó đều có thể khắc phục được. Nhưng cũng phải thừa nhận thực tế, đó là duy trì hoạt động tinh gọn như vậy đã giúp Tesla cùng SpaceX vượt qua khó khăn tài chính và hồi sinh từ bờ vực phá sản, tiến tới vị thế dẫn đầu trong ngành ô tô điện và hàng không vũ trụ. Hay trường hợp của X, nhiều người từng dự đoán cắt giảm chi phí sẽ làm sập nền tảng xã hội này nhưng X ngược lại vẫn hoạt động tốt đến nay.

"Cạm bẫy" đạo đức và sự khác biệt của chính phủ

Thành công từ việc giảm chi phí ở X, Tesla hay SpaceX giúp củng cố niềm tin của tỉ phú Musk về khả năng cải thiện hiệu quả. Trong cam kết, tỉ phú Mỹ khẳng định DOGE sẽ hoàn toàn minh bạch và báo cáo mọi hoạt động trên nền tảng trực tuyến. DOGE cũng tạo ra "bảng xếp hạng" liệt kê những khoản chi tiêu "kém sáng suốt nhất" từ tiền thuế. Người dân còn có thể góp ý bất cứ khi nào họ nghĩ DOGE đã bỏ sót lãng phí hoặc giảm nhầm danh mục quan trọng.

Tuy vậy, tờ USD Today đã lên tiếng cảnh báo về "cạm bẫy" đạo đức với ban lãnh đạo DOGE. Ðược biết, hầu hết công ty tỉ phú Musk nắm giữ lượng lớn cổ phần đều chịu sự kiểm soát của nhiều cơ quan liên bang mà ông sắp được giao nhiệm vụ tinh giản. Khi DOGE đi vào hoạt động, cả ông cũng như tỉ phú Ramaswamy được cho sẽ tiết kiệm được những khoản lớn nếu loại bỏ các thủ tục hành chính từng khiến họ phải đóng phạt trước đây. Theo thống kê, SpaceX đã bị phạt 4,2 triệu USD vì vi phạm an toàn lao động, môi trường và hàng không vũ trụ. Tesla cũng từng bị buộc trả gần 100 triệu USD theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Bộ Lao động và Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp.

Xét đến danh mục đầu tư bao la từ năng lượng, giao thông, thám hiểm không gian quân sự đến tình báo, vai trò mới còn đem lại cho Musk khả năng tiếp xúc những hạng mục công có lợi trực tiếp cho nhóm doanh nghiệp ông đang sở hữu. Chẳng hạn trong lĩnh vực không gian, vị tỉ phú này có lần công khai tuyên bố đang trông cậy vào chính quyền Trump giúp bản thân thực hiện ước mơ "thuộc địa hóa" sao Hỏa.

Ngoài biểu hiện đáng lo ngại về xung đột lợi ích, tờ New York Times cảnh báo cắt giảm chi tiêu áp dụng trong khu vực tư nhân hoàn toàn khác với cắt giảm chi tiêu quốc gia, vốn bị chi phối bởi nhiều cơ quan, luật lệ và quy trình phức tạp. Vấn đề nữa là thời gian và phản ứng từ các bên liên quan. Nhiều chuyên gia tài chính công nghi ngờ khả năng áp đặt quy tắc cắt giảm trên diện rộng trong thời gian ngắn mà không ảnh hưởng các chức năng quan trọng của chính phủ. Ngoài ra, bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể tác động tới an sinh xã hội, kích động phản ứng từ công chúng và nhiều nhóm lợi ích.

Tầm ảnh hưởng của ông Musk trong chính quyền Trump 2.0

Nguồn tin của hãng AP ước tính tổng số tiền mà tỉ phú Musk đóng góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump lên đến khoảng 200 triệu USD, tức cao hơn mức dự đoán ban đầu là 130 triệu USD.
Tuy nhiên, từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, giá cổ phiếu của các công ty ông Musk liên tục bùng nổ, khiến giá trị tài sản ròng của vị này hiện đã tăng thêm 64 tỉ USD và đang đạt mức kỷ lục 304 tỉ USD.
Ngoài việc được giao dẫn dắt Bộ Hiệu suất Chính phủ, ông Musk được cho là nhân vật nổi bật nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong việc lựa chọn nhân sự cho chính quyền mới của Tổng thống đắc cử. Tỉ phú Musk thường xuyên xuất hiện với ông Trump trong các sự kiện chính trị và xã hội, trong các cuộc điện đàm ngoại giao quốc tế, bao gồm buổi đón tiếp Tổng thống Argentina Javier Milei thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết