Hai tuyến cáp gần đường ống dẫn khí Nord Stream, gồm BCS East-West nối Litva với Thụy Ðiển và C-Lion1 nối Phần Lan với Ðức, đột nhiên bị gián đoạn vào ngày 17 và 18-11. Sự cố này khiến các nhà lãnh đạo châu Âu “đứng ngồi không yên”.
Tàu Yi Peng 3 của Trung Quốc bị nghi làm đứt 2 tuyến cáp BCS East-West và C-Lion1. Ảnh: AFP
Mọi nghi ngờ về “bàn tay” đằng sau sự cố hiện đều đổ dồn về Yi Peng 3, tàu treo cờ Trung Quốc đã được phát hiện trong khu vực vào thời điểm 2 tuyến cáp bị đứt.
Theo dữ liệu theo dõi vệ tinh, tàu Yi Peng 3 trên đường từ thành phố Saint Petersburg (Nga) đến thủ đô Cairo (Ai Cập) đã di chuyển dọc theo tuyến cáp C-Lion1, sau đó đổi hướng, di chuyển gần cáp BCS East-West. Tương tự, dữ liệu tự động nhận dạng tàu thuyền AIS cũng phát hiện Yi Peng 3 qua lại địa điểm xảy ra đứt cáp trong khoảng một giờ vào sáng 18-11.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong vòng khoảng 1 năm, một tàu chở hàng của Trung Quốc bị nghi làm hỏng cáp ngầm ở Biển Baltic. Trước đó, tàu container NewNew Polar Bear của Trung Quốc hồi tháng 10-2023 đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường sau khi kéo neo qua đường ống dẫn khí Balticonnector giữa Phần Lan và Estonia. Tàu này sau đó đi qua Vành đai vĩ đại (Ðan Mạch) rồi tiếp tục đi về phía Bắc dọc theo bờ biển Na Uy, từ đó đến bờ biển Bắc Cực (Nga). 2 tháng sau đó, phía Bắc Kinh thừa nhận tàu này đã mắc lỗi nhưng lại kết luận trong một cuộc điều tra rằng đó chỉ là một vụ tai nạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ðức Boris Pistorius trong một tuyên bố cho biết “không ai tin rằng những tuyến cáp này bị cắt đứt một cách tình cờ”. Theo ông Pistorius, sự cố này là hành vi tấn công hỗn hợp và đó là hoạt động “phá hoại”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và người đồng cấp Ðức Annalena Baerbock trong một tuyên bố chung cho hay họ “rất quan ngại” về sự cố này và nêu ra khả năng đây là một phần của “cuộc chiến tranh hỗn hợp”.
Basil Germond, chuyên gia về an ninh quốc tế và hàng hải tại Ðại học Lancaster (Anh) cũng có lo ngại tương tự. Theo ông Germond, Biển Baltic có thể trở thành chiến trường cho chiến tranh hỗn hợp, bởi đây “là một vùng biển rộng lớn, lỏng lẻo, rất khó giám sát và kiểm soát, cũng như rất khó để xác định các hành vi đáng ngờ và ngăn chặn các hoạt động ác ý”.
Về phần mình, Elisabeth Braw, nghiên cứu viên cấp cao của Hội đồng Ðại Tây Dương, cho rằng đây là điển hình về “chiến thuật vùng xám” nhưng nó phức tạp hơn, bởi thiệt hại trên được cho là do một tàu dân sự gây ra. Theo bà Braw, việc sử dụng chiến thuật vùng xám là một cách gây hại cho nước khác mà không phải sợ bị trả đũa. “Rõ ràng là Nga có lợi ích trong việc làm mất ổn định khu vực Biển Baltic bằng các biện pháp phi quân sự. Nếu Nga sử dụng các biện pháp quân sự, họ sẽ phải đối mặt với sức mạnh tập thể của NATO” - bà Braw cho hay. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại rằng việc ứng phó với những sự cố như thế này không hề đơn giản, bởi “nếu chúng ta làm gì đó về vấn đề này thì Nga và Trung Quốc sẽ coi đó là hành động leo thang và sẽ mạnh tay đáp trả”.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan Công tố Thụy Ðiển đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về nghi án phá hoại, trong khi Cục Ðiều tra Quốc gia Phần Lan cũng mở cuộc điều tra hình sự về các tội danh bị tình nghi là phá hoại và can thiệp nghiêm trọng vào thông tin liên lạc. Theo các đơn vị này, các tuyến cáp và đường ống thường được biểu thị một cách chi tiết trên các biểu đồ hàng hải nên gần như không có chuyện một con tàu vô tình cắt đứt không chỉ một mà là hai tuyến cáp.
Song, Christian Bueger, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Ðại học Copenhagen (Ðan Mạch) cho rằng việc ông Pistorius nói các sự cố trên là hoạt động “phá hoại” và việc ông gián tiếp ám chỉ Nga có khả năng đứng sau vụ việc là điều đáng ngạc nhiên và là điều quá sớm. “Ðiều đó hạn chế hành động ngoại giao của Ðức. Ðó là một tàu Trung Quốc chứ không phải tàu Nga. Ông Pistorius về cơ bản đang cáo buộc Trung Quốc thực hiện hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng của Ðức” - ông Bueger cho hay. Theo ông Bueger, mặc dù Trung Quốc không còn xa lạ với việc tiến hành các hoạt động hỗn hợp trên biển ở trong nước nhưng nếu Bắc Kinh làm điều tương tự ở vùng biển châu Âu thì “đó sẽ là hành động khiêu khích thực sự, thật đáng ngạc nhiên và chưa từng có”, qua đó cũng sẽ đánh dấu sự leo thang lớn trong căng thẳng ở Biển Baltic nói chung.
Hồi tháng 9-2022, hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 từ Nga sang Đức qua Biển Baltic bị hư hại sau các vụ nổ. Vào thời điểm đó, các đường ống đều đang không hoạt động. Hai vị trí rò rỉ trên hệ thống đường ống này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và 2 vị trí khác nằm trong EEZ của Đan Mạch. Sau vụ việc, Đan Mạch cùng Thụy Điển và Đức, 3 quốc gia gần hiện trường nhất, đã mở cuộc điều tra, kết luận đây là hành động phá hoại, nhưng từ chối cho phép Nga tham gia nỗ lực tìm nguyên nhân.
Cuối cùng, Thụy Điển và Đan Mạch đã khép lại cuộc điều tra vào đầu năm nay. Hai nước này cũng từ chối yêu cầu cung cấp thông tin về cuộc điều tra cho phía Nga. Điện Kremlin cho rằng đây là hành động “gần như vô lý” của Thụy Điển và Đan Mạch, đồng thời tuyên bố Mát-xcơ-va sẽ tiếp tục theo dõi quá trình điều tra của giới chức Đức. Nga cũng đang tiến hành cuộc điều tra riêng của mình.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)