Mỗi vở diễn đều thu hút rất đông khán giả đến xem và cổ vũ.
Dù 9 giờ 30 mới tới giờ thi diễn của buổi sáng, nhưng vợ chồng ông Huỳnh Hữu Tuấn, bà Nguyễn Việt Thu đã sớm có mặt từ trước 9 giờ, chọn cho mình chỗ ngồi thuận lợi để chuẩn bị coi cải lương. Ông bà nhận tờ rơi giới thiệu vở của đơn vị dự thi, ngồi coi nội dung, bảng phân vai rồi bình luận rôm rả. Đến khi sân khấu mở màn, ông bà xem rất say sưa, vỗ tay khi nghệ sĩ ca diễn xuất thần, rưng rưng những đoạn cao trào và có những lúc quay sang trao đổi về kỹ thuật biểu diễn của diễn viên.
Vợ chồng ông Tuấn là đôi tài tử yêu nghệ thuật có tiếng ở quận Ninh Kiều nên Liên hoan Cải lương toàn quốc tổ chức ở Cần Thơ là cơ hội để ông bà sống trọn với niềm đam mê. Bà Thu cho biết: Từ hôm khai mạc đến nay, bà luôn theo sát liên hoan, ngày 2 buổi sáng và tối. Có mấy hôm bận việc nhà hay về quê ở Cà Mau, phải bỏ vài vở, ông bà thấy rất tiếc. “Vợ chồng tôi đam mê đờn ca, diễn xuất nên đi coi cải lương là vừa thỏa tình yêu, vừa học hỏi từ nghệ sĩ chuyên nghiệp”, bà Thu chia sẻ. “Phải nói ngồi coi nghệ sĩ diễn trên sân khấu, coi cách nghệ sĩ trang trí sân khấu, dàn nhạc… cảm giác rất đã!” - ông Tuấn tiếp lời vợ.
“Đi coi cải lương” là câu nói quen thuộc của nhiều người mộ điệu trong những ngày diễn ra Liên hoan Cải lương toàn quốc. Đó là cách mọi người rủ nhau đi xem vẻ đẹp của cải lương bây giờ. Một trong những thành công lớn của TP Cần Thơ, với tư cách là đơn vị đăng cai, chính là khán giả tới rạp ủng hộ các vở diễn. Bất kỳ là vở diễn của đơn vị nghệ thuật nào, từ khắp mọi miền đất nước, khán giả Tây Đô đều đến xem rất đông, cổ vũ nhiệt tình, sống trọn với cảm xúc hỉ nộ ái ố cùng nhân vật. Khán giả ngồi ngay ngắn, trật tự, vỗ tay rần rần ở những chỗ nghệ sĩ ca xuống hò hay dứt màn chuyển cảnh… Đó là văn hóa coi hát đã hình thành từ rất lâu đời.
Trong số các khán giả đến Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ coi cải lương, có nhiều khán giả rất quen mặt, thưởng thức hầu hết các vở diễn. Đơn cử như chị Trần Thị Phước (quận Ninh Kiều), cũng là người đam mê đờn ca tài tử. Coi cải lương, chị còn có thể bình luận về vai diễn, vở tuồng, cách dàn dựng… một cách am hiểu. Một khán giả khác khiến chúng tôi rất xúc động với tình cảm ông dành cho cải lương, đó là ông Nguyễn Văn Nhân. Ông Nhân quê ở Kiên Giang, đến TP Cần Thơ thuê trọ ở để đi bán vé số. Nghe có diễn cải lương, ông dành thời gian đến coi đều đặn. Sáng, ông tranh thủ bán sớm, đi nhiều để tới 9 giờ rưỡi vô coi cải lương. Coi rồi thì về ăn cơm rồi đi bán tiếp cho mau hết để tới 7 giờ rưỡi tối vô coi “tăng 2”. Cứ vậy, hầu như ông Nhân không bỏ lỡ vở nào. Hình ảnh người đàn ông cầm xấp vé số, chống cằm ngồi coi cải lương mê mẩn thật đẹp. Ông Nhân kể, ông mê cải lương từ nhỏ và nhờ có liên hoan này, ông được sống lại cảm giác đi coi cải lương, coi nghệ sĩ diễn trực tiếp trên sân khấu như hồi trước.
Ở hàng ghế khán giả, còn có những khán giả “trực chiến” như NSƯT Trúc Linh, NSƯT Kiều Mỹ Dung, NSƯT Huỳnh Nhật Danh, NNƯT Thanh Tùng… Bởi, ai cũng xác định vừa coi để thỏa đam mê vừa là dịp học hỏi, trau dồi nghề nghiệp. Hay có những khán giả vượt hàng chục cây số, từ Thốt Nốt như ông Đoàn Nô, bà Đoàn Thị Bích Phượng…, từ Vĩnh Long như vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Nhân… đến để xem nghệ sĩ trải lòng trên sân khấu.
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết: Trung tâm Văn hóa thành phố vinh dự được chọn là nơi tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc. Ngoài nỗ lực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để liên hoan diễn ra thành công, để các đơn vị dự thi thể hiện tốt vở diễn, thì đơn vị cũng rất quan tâm phục vụ khán giả đến xem. Trung tâm Văn hóa thành phố bố trí lực lượng giữ xe miễn phí, phục vụ nước uống miễn phí, bố trí chỗ ngồi thoải mái để khán giả coi cải lương… và thông báo rộng rãi để bà con đến xem. Liên hoan còn là dịp để Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ quảng bá nét đẹp của cải lương cũng như sự thịnh tình, hiếu khách của người Cần Thơ với bạn bè gần xa.
Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH