06/11/2024 - 10:00

Kết nối giữa thời trang và công nghệ sinh học 

Năm 2024, nhiều dự luật liên quan đến chuỗi cung ứng thời trang được xem xét và áp dụng, nhất là ở khu vực Liên minh châu Âu. Theo đó, các doanh nghiệp thời trang cũng đang chạy đua chuyển đổi để thích ứng. Giải pháp công nghệ sinh học được nhiều đơn vị lựa chọn để tạo ra sản phẩm thời trang tuần hoàn, bền vững.

Hãng thời trang Ganni của Đan Mạch đã hợp tác với công ty vật liệu sinh học Polybion ở Mexico để làm ra mẫu áo khoác đầu tiên từ nanocellulose vi khuẩn (ảnh). Alexis Gómez-Ortigoza, nhà đồng sáng lập Polybion, cho biết: "Polybion đã biến rác thải trái cây thành thức ăn cho vi khuẩn bằng cách thêm vào một công thức đặc biệt. Sau đó, vi khuẩn sẽ sinh sản và tạo ra mạng lưới nanocellulose như một phụ phẩm của quá trình trao đổi chất. Sau 2 tuần, nanocellulose hình thành sẽ được thu hoạch và chuyển sang giai đoạn thuộc da". Theo cách làm này, quá trình sản xuất vật liệu mới có lượng khí thải carbon rất ít.

Tương tự, thương hiệu Balenciaga (Tây Ban Nha) cũng đã hợp tác với công ty Gozen (Mỹ) vận dụng công nghệ sinh học vào thời trang. Họ đã cho ra đời mẫu áo khoác da từ vải lên men. Chất liệu này được gọi là Lunaform và mất hơn 2 năm để nghiên cứu thành công. Đây là một loại vật liệu sinh học được tạo ra từ vi sinh vật trong quá trình lên men, bền, thẩm mỹ và hạn chế khí thải carbon. Trong khi đó, tập đoàn Kering (Pháp) hợp tác với công ty Spiber (Nhật Bản) ra mắt dự án Biosphere Circulation, chuyển hóa các loại quần áo và vải không sử dụng thành chất dinh dưỡng cho quá trình lên men vi sinh, từ đó sản xuất ra vật liệu mới.

Hiện ngành công nghiệp thời trang đang tận dụng mọi phương pháp để sáng chế ra các nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, đặc biệt là các sản phẩm có chất liệu hữu cơ. Theo đó, tại làng Costa de Pajaros (Costa Rica), hợp tác xã phụ nữ Piel Marina đã tận dụng lượng da cá bị vứt bỏ trên bãi biển để thuộc da. Da cá được xử lý kỹ, nhuộm bằng glycerin, cồn và thuốc nhuộm tự nhiên, rồi phơi khô. Quá trình xử lý rất tốn thời gian và kỳ công nhưng mang lại một loại vải mềm, dẻo, chắc chắn, không thấm nước, không có mùi tanh, lại đẹp. Vật liệu này được sử dụng để làm đồ trang sức như: hoa tai, vòng cổ, vòng đeo tay... và đang được cân nhắc để làm ví và túi xách thủ công. Còn công ty Nova Kaeru của Brazil cung cấp mặt hàng da làm từ vảy của loài cá pirarucu khổng lồ có nguồn gốc từ Amazon. Các sản phẩm này rất được yêu thích trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Có rất nhiều cách để làm ra nguyên liệu mới trong thời trang được các hãng tìm tòi khám phá. Cụ thể, nhà sản xuất quần áo Aoyama Trading (Nhật Bản) hợp tác với công ty kinh doanh dệt may Takisada - Nagoya ra mắt bộ sưu tập thời trang mùa xuân Sea Wool cho nữ giới với chất liệu làm từ vỏ hàu. Vỏ hàu sẽ được nghiền bằng công nghệ đặc biệt và dệt chúng thành sợi polyester. Vải thành phẩm là vật liệu mềm mại và co giãn, không nhăn và ngăn chặn tia cực tím, chứa 70% sợi polyester vỏ hàu và 30% len. Saya Takai, người phụ trách kế hoạch sản phẩm tại Aoyama Trading, chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng những bộ đồ này sẽ thúc đẩy thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ môi trường".

BẢO LAM (Tổng hợp từ CNN, Nikkei Asia)

 

Chia sẻ bài viết