08/11/2024 - 08:30

Vì thành phố xanh, sạch, đẹp 

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ cùng với các sở, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các quận, huyện phối hợp thực hiện nhiều việc làm tích cực, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT), xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Công tác này tiếp tục được TP Cần Thơ phát huy hiệu quả và cần sự hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương thời gian tới.

Nỗ lực 

Theo thống kê, hiện nay ĐBSCL có tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thải ra khoảng 4.200 tấn/ngày; trong đó, lượng thu gom từ các thành phố, thị trấn khoảng 3.200 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 70-80%. Việc xử lý CTRSH phần lớn là các bãi chôn lấp, CTRSH gần như chỉ được chôn lấp tự nhiên chưa đúng quy trình, chưa có biện pháp thu hồi, xử lý nước rỉ rác… Tại TP Cần Thơ, công tác thu gom, vận chuyển của các quận, huyện đang thực hiện khá tốt, tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ CTRSH toàn thành phố ở khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt 98,78%, ở khu vực nông thôn đạt 74,58%.

Công tác thu gom, xử lý rác thải tồn đọng nơi công cộng được đoàn viên thanh niên phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều quan tâm thực hiện.

Ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, nhận định: Công tác BVMT trên địa bàn TP Cần Thơ luôn được xem trọng, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Qua đó có những kết quả tích cực đã được ghi nhận, công tác quản lý và BVMT từng bước đi vào khuôn khổ, được quy định chi tiết, cụ thể trong các văn bản chỉ đạo về môi trường; chất lượng công tác dự báo, đánh giá tác động môi trường được nâng cao; giải quyết cơ bản vấn đề tồn tại của công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, giữ gìn vệ sinh môi trường; không để xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về BVMT được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cả ý thức và hành động BVMT. Đặc biệt, với nhiều giải pháp quyết liệt đã cơ bản giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với công tác quản lý CTRSH và ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải lớn…

Theo Chi cục BVMT (thuộc Sở TN&MT TP Cần Thơ), lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố tăng lên hằng năm. Cụ thể, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh bình quân năm 2022 khoảng 653,9 tấn/ngày, năm 2023 khoảng 680,9 tấn/ngày và tổng khối lượng CTRSH 9 tháng năm 2024 phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 686 tấn/ngày; trong đó tỷ lệ thu gom, xử lý tại khu vực đô thị ước đạt khoảng 98,7%, tại khu vực nông thôn đạt khoảng 74,6%. TP Cần Thơ hiện đang xử lý rác bằng 2 phương pháp là đốt rác phát điện và đốt rác thủ công.

Trong đó, tổng lượng CTRSH phát sinh tại 5 quận, huyện (Thốt Nốt khoảng 40 tấn/ngày, Ô Môn khoảng 36 tấn/ngày, Phong Điền khoảng 50 tấn/ngày, Cờ Đỏ khoảng 25 tấn/ngày và Vĩnh Thạnh khoảng 20 tấn/ngày) trung bình khoảng 171 tấn/ngày được vận chuyển hằng ngày về khu xử lý CTRSH tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ để xử lý bằng phương pháp đốt thủ công. Tại đây, nhà máy  có lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, bụi, nước thải… Tro xỉ được ủ làm phân, tro bay được thu gom và lưu giữ trong kho chứa và chuyển giao cho đơn vị có chức năng…

Tổng lượng CTRSH phát sinh được thu gom hằng ngày tại 4 quận, huyện còn lại (Ninh Kiều khoảng 330 tấn/ngày, Bình Thủy khoảng 95 tấn/ngày, Cái Răng khoảng 75 tấn/ngày và Thới Lai khoảng 15 tấn/ngày) trung bình khoảng 515 tấn/ngày được vận chuyển Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai để xử lý bằng phương pháp đốt phát điện. Nhà máy có lắp đặt hệ thống xử lý bụi, khí thải của lò đốt CTRSH; công suất xử lý bụi, khí thải tối đa theo thiết kế 110.000m3/giờ. Nhà máy có bố trí khu vực lưu chứa, xử lý xỉ đáy lò có diện tích khoảng 3.934m2 để lưu giữ, phân loại, sơ chế, tái sử dụng xỉ đáy lò phát sinh từ lò đốt…

Cần công nghệ xử lý hiện đại

Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ xử lý CTRSH thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghiệp cấp quốc gia; tăng cường thực hiện việc thẩm định, có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về CTRSH; ban hành các tiêu chuẩn quốc gia liên quan CTRSH; hoạt động liên quan sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH vào thực tế.

Gần đây, tại Hội thảo “Thực trạng phát sinh và quản lý CTRSH vùng ĐBSCL và định hướng công nghệ xử lý”, ông Phạm Văn Diễn - đại diện Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, cho biết: “Trong thời gian qua, công ty đã ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH theo hướng kinh tế tuần hoàn thông qua các hệ thống sản xuất hạt nhựa PP và màng, viên nén RPF, phân vi sinh và tái chế lò dầu FO. Xác định, rác là một tài nguyên quý giá, vô tận, Công ty quyết tâm phát triển công nghệ về xử lý rác thải, tạo ra các sản phẩm từ rác, đặc biệt là rác thải sinh hoạt. Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước và sự quyết tâm của doanh nghiệp và cộng đồng, ĐBSCL có thể sẽ trở thành một vùng tiên phong trong việc quản lý và xử lý rác thải bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh của Việt Nam”.

Từ các nhiệm vụ được giao và xu thế phát triển ngành công nghiệp môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng phát sinh và quản lý CTRSH vùng ĐBSCL và định hướng công nghệ xử lý” với mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường tại Việt Nam. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý CTRSH tại ĐBSCL; hiện trạng cơ chế chính sách, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH vùng ĐBSCL; thực trạng phát sinh và quản lý CTRSH; ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH theo hướng kinh tế tuần hoàn… Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn công nghệ xử lý rác thải chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế…

Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn TP Cần Thơ cũng gặp một số khó khăn liên quan đến hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị dẫn đến BVMT chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế; tiến độ xây dựng nhiều dự án về BVMT còn chưa theo kịp sự phát triển; các trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác đo đạc, phân tích chất lượng môi trường còn hạn chế… Thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý CTRSH, TP Cần Thơ mong muốn các bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH áp dụng đối với các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải cho địa phương; đồng thời, giới thiệu danh mục công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó, chú trọng các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết