Với hai vở khai thác đề tài hiện đại, Nhà hát Nghệ thuật Ðồng Nai đã chinh phục khán giả. Dấu ấn của đơn vị tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 rất rõ nét.
Cảnh trong vở "Ánh nhật nguyệt".
Dấu ấn đầu tiên là vở "Ánh nhật nguyệt", khai thác đề tài y đức. Vở cải lương được viết kịch bản và đạo diễn bởi NSND Quế Anh - nữ NSND đầu tiên của tỉnh Ðồng Nai. Vở có bối cảnh chính tại Khoa Nội Thần kinh của một bệnh viện sau đại dịch COVID-19. Lượng bệnh nhân bị rối loạn lo âu tăng cao, một số y, bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện trở nên quá tải. Ðội ngũ y, bác sĩ vẫn gồng gánh, nêu cao y đức, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Trong khi đó, một số lãnh đạo bệnh viện đã bắt tay làm thành nhóm lợi ích, cản trở hoạt động chuyên môn, từ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, gây nên tình trạng khan hiếm thuốc và vật tư y tế, đến đầu tư không theo nhu cầu thực tế để trục lợi.
Tỏa sáng trong vở "Ánh nhật nguyệt" là nữ nghệ sĩ thủ vai Trưởng khoa tên Phương, dù đời sống hôn nhân đổ gãy, bị bạo lực gia đình nhưng cô vẫn nêu cao y đức, trực diện thuyết phục và chỉ ra những sai trái của lãnh đạo bệnh viện, cũng là mẹ chồng tương lai. Phương không vì tình riêng và cả lợi ích riêng là sẽ được cất nhắc cao hơn, mà đấu tranh vì lẽ phải. Hay là Kiên, người yêu của Phương, không dựa hơi mẹ và không vì mẹ mà làm điều xấu. Là bác sĩ Khôi, từng bị trầm cảm sau cú sốc tâm lý, gượng dậy và cùng đồng nghiệp trong cuộc chiến chống lại cái xấu. Hay là nhạc sĩ Khánh Thi, một bệnh nhân bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, vẫn luôn khao khát mang âm nhạc chữa lành
bệnh nhân…
"Ðồng chí" cũng là vở diễn đầy ấn tượng, kịch bản Lê Thu Hạnh, do NSƯT Lê Nguyên Ðạt đạo diễn. Nhân vật chính là ông Trung một thương binh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, luôn dạy con cháu sống đạo đức, cống hiến cho quê hương. Nhưng Thành, con trai ông, đã không làm vậy. Là chủ doanh nghiệp, Thành ăn chơi sa đọa, tham nhũng, bỏ mặc công nhân mà thoái thác trách nhiệm. Ngược lại, vợ Thành là bác sĩ, luôn nỗ lực gìn giữ gia phong, làm thiện nguyện; Ðạt, con trai của Thành, là chàng trai trẻ với khát khao cống hiến, tình nguyện tham gia quân ngũ. Ðoạn "mức" nhất trong tác phẩm có lẽ là ông Trung về lại chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ, với những bài học ý nghĩa.
Mạnh dạn khai thác hai đề tài hiện đại, Nhà hát Nghệ thuật Ðồng Nai chinh phục khán giả với sự đầu tư công phu, chỉn chu. Sân khấu của hai vở được thiết kế đẹp, hiện đại. Ðặc biệt, dàn diễn viên của cả hai vở đều rất có nghề, đều tay, làm nên tổng thể vở diễn hài hòa, đáng xem. Cách cấu tứ, nút thắt, nút mở làm nên sự hấp dẫn và nổi rõ thông điệp vở diễn. Ðặc biệt, dù hai vở đều nói về chuyện tha hóa vì đồng tiền, nhưng thông điệp nhẹ nhàng, không hô hào, khiên cưỡng.
Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH