TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp nhằm chuyển trọng tâm công tác dân số từ mục tiêu kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) sang dân số và phát triển theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 (Nghị quyết 21) của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Những kết quả đạt được cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và nỗ lực của ngành chức năng cùng các cấp, các ngành góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của cộng đồng, vì một cơ cấu dân số ổn định và phát triển bền vững.
BS Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP Cần Thơ, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số thành phố.
Nghị quyết 21 nêu rõ: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP Cần Thơ, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có tính chất quyết định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ðể nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác dân số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác dân số và phát triển. Xác định nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà còn là trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương, của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Ðảng, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật để nâng cao chất lượng dân số.
Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; sáp nhập Trung tâm Dân số quận/huyện thành phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế quận/huyện từ năm 2018; củng cố mạng lưới; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số ở các xã, phường, thị trấn và đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ KHHGÐ để góp phần thực hiện tốt chính sách dân số nhằm nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.
Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục với các hình thức phù hợp đến tất cả các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, hành động về dân số và phát triển. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con để phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tăng cường tuyên truyền tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh - sơ sinh; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để đối tượng chấp nhận thực hiện.
Bốn là, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, trọng tâm là chất lượng và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.
Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu chuyển hướng chính sách dân số, từ tập trung vào KHHGÐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm chỉ đạo điều phối có hiệu quả các hoạt động liên quan đến dân số và phát triển.
Sáu là, phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp để thực hiện các biện pháp nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của con người Việt Nam, đặc biệt sự phối hợp tích cực của hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, vị thành niên, người cao tuổi và sự tham gia của ngành giáo dục.
Bảy là, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; xã/phường/thị trấn sinh đủ hai con nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế và đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.
Trên cơ sở tiền đề của Nghị quyết 21, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 30-Ctr/TU ngày 29-12-2017 về công tác dân số trong tình hình mới, với thông điệp cốt lõi là “Ðầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”. Giữa tháng 7-2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15-7-2024 về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Lãnh đạo TP Cần Thơ đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Ðảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là các giải pháp để phấn đấu đạt mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG