27/07/2024 - 07:05

Philippines sắm vai trò mới ở khu vực 

Thông qua mạng lưới ngoại giao và hợp tác quốc phòng ngày càng mở rộng, Philippines đang trở thành đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nhiều quốc gia.

Lực lượng Hải quân Philippines lắng nghe sĩ quan Mỹ hướng dẫn trong một cuộc tập trận. Ảnh: DVIDS

Đầu tháng 7, Philippines và Nhật Bản ký Thỏa thuận tiếp cận qua lại (RAA). Đây là cột mốc hợp tác an ninh quan trọng giữa 2 quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á trong bối cảnh căng thẳng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gia tăng. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi được quốc hội 2 nước phê chuẩn, cho phép tiếp nhận lực lượng thăm viếng và xử lý các vấn đề vũ khí, đạn dược trong quá trình huấn luyện chung. Hiệp định cũng được áp dụng để thực thi quyền tài phán trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc tai nạn; cũng như cứu trợ khi có thảm họa.

Trong tháng này, lực lượng Không quân Philippines cũng đến Úc trong đợt điều động đầu tiên ra nước ngoài kể từ năm 1963 để tham gia cuộc tập trận Pitch Black. Sau hoạt động trên, Philippines sẽ chào đón nhóm tác chiến tàu sân bay Cavour của Ý thực hiện công tác nhân đạo. Sắp tới, Manila còn lần đầu tiên tham gia Sứ mệnh không quân Pégase 24 thường niên ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo lời mời từ Pháp. Trước đó, Paris đã bổ nhiệm một tùy viên quốc phòng thường trú tại Philippines. Hồi tháng 4, Hải quân Pháp cũng lần đầu tiên tham gia khuôn khổ tập trận Balikatan tại quốc gia Đông Nam Á. Theo báo Philippine Daily Inquirer, hai bên đang đàm phán hiệp ước quốc phòng cho phép cử lực lượng quân sự đến lãnh thổ của nhau nhằm chính thức hóa và mở rộng các cuộc tập trận chung. Hiện Manila còn tìm cách thúc đẩy các thỏa thuận tiếp cận quân sự tương tự với Canada và New Zealand.

Bằng cách chủ động đa dạng hóa quan hệ quốc phòng với các đối tác rộng lớn từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến châu Âu, giới quan sát cho biết Philippines đang từng bước tạo ra mạng lưới phòng thủ chắc chắn để tăng cường quyền tự chủ chiến lược và xây dựng năng lực an ninh hàng hải còn hạn chế. Những động thái này sẽ trao cho Manila vai trò nổi bật như một bên tham gia vào các vấn đề khu vực, ít nhất là trong lĩnh vực liên quan an ninh Biển Đông. Nó cũng gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng Philippines không chỉ là nhân tố quan trọng trong chiến lược “răn đe tổng hợp” của Mỹ tại châu Á mà còn là “đối tác cùng chí hướng” với phương Tây. 

Chủ tịch Chester Cabalza của Cơ quan Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế trụ sở tại Philippines cho biết, việc Manila tăng cường hợp tác với các nước ủng hộ phán quyết bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông của Tòa Trọng tài ở The Hague (Hà Lan) hoàn toàn phù hợp với lập trường của phương Tây đối với cam kết bảo đảm quyền tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật lệ nhằm duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm. Châu Á vẫn là tuyến đường thương mại thiết yếu với châu Âu, trong đó 40% hoạt động thương mại nước ngoài của lục địa già hiện đi qua Biển Đông. Điều này cho thấy châu Âu có lợi ích to lớn trong việc đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực; bên cạnh mong muốn được tiếp cận không bị cản trở các tuyến đường thủy quan trọng cũng như giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Trong đó, quyết định của Ý đưa Philippines vào hành trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự bổ sung mới vào chuỗi các cường quốc phương Tây công nhận mạng lưới ngoại giao ngày càng mở rộng của Philippines.

MAI QUYÊN (Theo SCMP, Asia Times)

Chia sẻ bài viết