20/04/2019 - 09:17

Ô nhiễm không khí tăng tỷ lệ tội phạm? 

Không khí chúng ta đang hít thở có thể thay đổi hành vi mỗi cá nhân theo những cách mà con người chưa biết đến, một số nghiên cứu gần đây cảnh báo.

Không khí ô nhiễm nặng tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: BBC

Không khí ô nhiễm nặng tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: BBC

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Gần đây, khoa học còn phát hiện bầu không khí ô nhiễm liên quan khả năng phán đoán kém, giảm thành tích học tập, tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần và đáng lo ngại nhất là tăng tỷ lệ tội phạm.

Từ năm 2011, Tiến sĩ Sefi Roth tại Trường Kinh tế Luân Đôn (Anh) bắt đầu “soi” tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người và gia tăng tỷ lệ nhập viện cùng tử vong. Trong nghiên cứu xem xét ô nhiễm không khí ảnh hưởng chức năng nhận thức, Roth cùng các cộng sự đã theo dõi kết quả thi của sinh viên vào những ngày khác nhau. Mức độ ô nhiễm không khí được đo cùng thời điểm. Họ kinh ngạc phát hiện mối tương quan giữa kết quả kiểm tra thấp nhất ở sinh viên với những ngày ô nhiễm nhất. Ngược lại, sinh viên có thành tích học tập tốt hơn vào thời điểm chất lượng không khí trong lành.

Theo dõi tác động này trong 8-10 năm sau, Tiến sĩ Roth nhận thấy sinh viên kiểm tra kém vào ngày ô nhiễm thường học ở trường đại học chất lượng thấp và thu nhập không cao. Tiến sĩ Roth kết luận, tác động của ô nhiễm không khí có thể xảy ra tức thời nhưng sẽ ảnh hưởng lâu dài nếu đó là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời. Năm 2018, ông cùng các đồng sự  tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực này với công trình phân tích dữ liệu tội phạm trong 2 năm của hơn 600 khu vực ở Thủ đô Luân Đôn. Họ phát hiện nhiều hành vi phạm tội không nghiêm trọng xảy ra vào những ngày ô nhiễm nhất, bất kể khu giàu hay nghèo.

Cùng lĩnh vực, nghiên cứu do Giáo sư Jackson Lu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ tiến hành năm ngoái cho thấy từ mức độ ô nhiễm không khí, chúng ta có thể dự đoán một số hành vi phạm tội như ngộ sát, hãm hiếp, cướp giật, ăn cắp xe hơi và tấn công. Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu trong 9 năm tại hơn 9.000 thành phố của Mỹ, trong đó thành phố ô nhiễm nhất có tỷ lệ tội phạm cao nhất. Đi sâu vào mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và hành vi phạm pháp, Đại học Nam California trong nghiên cứu khác đã xem xét cụ thể hạt bụi mịn PM2.5 (nhỏ hơn 30 lần so với tóc người) và hệ quả phơi nhiễm các chấc độc hại trên 682 thanh thiếu niên. Sau 12 năm, nhóm nghiên cứu cho biết hành vi xấu như gian lận, trốn học, ăn cắp, phá hoại và sử dụng chất gây nghiện thường xảy ra ở những khu vực ô nhiễm hơn. Ngoài tăng tỷ lệ phạm tội, ô nhiễm không khí còn khiến sức khỏe tâm thần suy giảm nghiêm trọng. Theo phát hiện hồi tháng 3, thanh thiếu niên tiếp xúc với không khí độc hại có nguy cơ mắc các chứng loạn thần cao hơn, chẳng hạn như nghe giọng nói trong đầu hoặc hoang tưởng.

Có nhiều cơ chế giải thích tác động của ô nhiễm không khí đối với đạo đức con người. Một trong số đó là môi trường độc hại khiến thần kinh chúng ta căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý. Kết luận này rút ra từ một số thử nghiệm, đơn cử như cuộc khảo sát trên tình nguyện viên người Mỹ lẫn Ấn Độ bằng cách cho họ xem ảnh của một thành phố cực kỳ ô nhiễm và yêu cầu mỗi người tưởng tượng mình đang sống ở đó. Các nhà khoa học phát hiện người tham gia bắt đầu có dấu hiệu lo âu, đồng thời gia tăng phản ứng liên quan hành vi hung hăng và vô trách nhiệm. Ngoài cách lý giải trên, nguyên nhân còn có thể do chất độc hại trong không khí làm thay đổi sinh lý não. Ví dụ, khi bạn hít thở không khí bị ô nhiễm, nó sẽ ảnh hưởng đến lượng ôxy trong cơ thể, gây kích ứng mũi, cổ họng, đau đầu - tất cả đều ảnh hưởng mức độ tập trung. Đặc biệt, tiếp xúc với các chất ô nhiễm khác nhau còn gây viêm, phá hủy cấu trúc não và các kết nối thần kinh kiểm soát xung động, chức năng tự kiểm soát và điều hành.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết