13/05/2024 - 23:08

An ninh nước - Thách thức toàn cầu
Kỳ cuối: Những hình mẫu tái tạo và sử dụng các nguồn nước hiệu quả 

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Peru dẫn đầu về các giải pháp tái tạo nguồn nước dựa vào thiên nhiên

Thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy xử lý hoặc đập chứa nước, các giải pháp dựa vào thiên nhiên ở Peru tập trung đầu tư vào việc bảo tồn và khôi phục cơ sở hạ tầng tự nhiên quan trọng như rừng, đầm lầy, đồng cỏ và rừng ngập mặn.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Dự án Cơ sở hạ tầng tự nhiên đảm bảo an ninh nước (NIWS) - do Forest Trends (một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy duy trì hệ sinh thái, trụ sở ở Mỹ) chủ trì và được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Canada hỗ trợ - đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Peru để triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS), nhằm giúp người dân bổ sung và duy trì nguồn cung nước trước thách thức biến đổi khí hậu.

Peru giữ nguồn nước bằng cách bảo tồn các hạ tầng tự nhiên như đầm lầy, lưu vực sông và rừng ngập mặn. 
Ảnh: Unplash

Ðịa phương đầu tiên được nhắm tới là huyện miền núi San Juan de Tarucani (tỉnh Arequipa, phía Nam Peru) nơi thường xuyên đối mặt với khủng hoảng thiếu nước. Sau khi các nguồn tài trợ được khai thông, NIWS bắt đầu làm việc với người dân ở San Juan de Tarucani để khôi phục các vùng đất ngập nước địa phương và xây dựng các hồ chứa nhỏ để tăng khả năng tiếp cận nước và chất lượng nước quanh năm ở vùng Arequipa.

Các hồ chứa nhỏ thu thập và lưu trữ nước khi trời mưa và sau đó xả dần vào đất, mang lại cho người dân nguồn cung cấp nước ổn định hơn cho sinh hoạt và nông nghiệp, ngay cả trong thời kỳ hạn hán. Trong khi đó, các vùng đầm lầy được phục hồi cũng có thể lưu trữ một lượng lớn nước, sau đó chảy vào hồ, ao hoặc tầng ngậm nước sâu dưới lòng đất. Các vùng đất ngập nước này còn lắng lọc các chất ô nhiễm, giúp giảm chi phí xử lý cần thiết để có nước uống an toàn hoặc tưới tiêu.

Trong các dự án NbS ở San Juan de Tarucani, người dân địa phương đã cùng nhau duy trì kết quả. Việc này không chỉ giúp hệ sinh thái phát triển lâu dài để cung cấp nước sạch và cảnh quan đa dạng sinh học, mà còn cho phép người dân mở rộng chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.

Ở phía Bắc Peru, thành phố Moyobamba đã trở nên nổi tiếng vì giải quyết thành công tình trạng khan hiếm nước, nhờ áp dụng NbS để bảo vệ các nguồn nước địa phương.

Khoảng 20 năm trước, Moyobamba - nằm giữa dãy Andes và rừng Amazon, thiếu nước đến mức các dịch vụ cho thành phố thường xuyên bị cắt, khiến dân chúng phẫn nộ. Người dân sau đó phát hiện vấn đề chính là nạn phá rừng (để lấy đất canh tác) đã lan tới ba lưu vực sông tại địa phương, nguồn cung nước chính của Moyobamba, khiến cả số lượng và chất lượng nước cung cấp cho thành phố đều giảm.

Ðể giải quyết cuộc khủng hoảng này, người dân địa phương, các tổ chức môi trường quốc tế, chính quyền và khu vực cũng như cơ sở xử lý nước địa phương đã họp bàn tìm giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người. Họ quyết định tạo ra một hệ thống thuế mà theo đó, người dân phải trả một sol Peru (khoảng 0,30 USD) mỗi tháng trong hóa đơn tiền nước, để góp vào một quỹ đặc biệt dùng để đầu tư cho các sáng kiến bảo tồn lưu vực sông và rừng nhiệt đới. Ðây là một trong những dự án NbS đầu tiên của Peru và đã nhanh chóng trở thành hình mẫu được chính phủ mở rộng quy mô toàn quốc, khiến Peru trở thành nước đi đầu trong các sáng kiến NbS ở châu Mỹ Latinh.

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh: Hành trình từ khan hiếm nước tới nguồn nước vững bền

Ngày Nước Thế giới vừa qua (22-3), hành trình tới an ninh nước bền vững của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được nêu bật như một kỳ tích.

Các quốc gia GCC phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt: thiếu nước mặt và việc sử dụng tài nguyên nước ngầm không bền vững khiến họ trở thành những quốc gia khan hiếm nước nhất trên thế giới. Bất chấp sự khan hiếm này, các nước GCC đã chứng kiến mức tiêu thụ nước tăng vọt do kinh tế phát triển, tăng dân số và đô thị hóa. Mức tiêu thụ thường vượt quá 500 lít/người/ngày, cao hơn ở các quốc gia có thu nhập tương đương, chẳng hạn như Ðức, nơi tiêu thụ khoảng 120 lít/người/ngày. Việc tiêu thụ quá mức này nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn nước dự trữ vốn đã hạn chế của GCC.

Ðể ứng phó, các nước GCC đã bắt tay vào các biện pháp đầy tham vọng và sáng tạo để đảm bảo tương lai nguồn nước. Tận dụng nguồn tài chính và nhân lực đáng kể của mình, các quốc gia giàu dầu mỏ này đã ưu tiên phát triển công nghệ khử muối. Nhờ thúc đẩy đổi mới công nghệ màng lọc và sử dụng hiệu quả năng lượng, giá nước khử muối đã giảm mạnh từ 5 USD/m3 vào những năm 1980 xuống mức thấp nhất còn 0,4 USD/m3. Ðến nay, các nước GCC dẫn đầu thế giới về năng lực khử muối. Các nhà máy khử muối hoạt động ở 186 quốc gia, sản xuất 140 triệu mét khối nước sạch mỗi ngày, trong đó GCC chiếm gần một nửa sản lượng này, mặc dù dân số của họ chiếm chưa đến 1% của thế giới. Tập đoàn Chuyển đổi Nước mặn (SWCC) của Saudi Arabia, công ty khử muối lớn nhất toàn cầu, sản xuất khoảng 20% lượng nước khử muối của thế giới.

Ngoài khử muối, các nước GCC còn thực hiện các biện pháp hướng tới kinh tế tuần hoàn để tăng cường thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải. Ðây là sự bổ sung mang tính chiến lược để tái tạo tài nguyên nước đang cạn kiệt. Trong khi nhiều quốc gia còn ngần ngại sử dụng nước thải đã qua xử lý, mức độ chấp nhận nước tái chế ở GCC này ngày càng tăng, một phần là nhờ các chiến dịch tiếp cận cộng đồng được triển khai thành công.

Việc Saudi Arabia sẽ là chủ nhà của Diễn đàn Nước Thế giới vào năm 2027 nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của GCC trong quản lý nước. Họ sẽ giới thiệu những thành tựu và chia sẻ kiến thức về bảo đảm an ninh nước với thế giới.

“Thành phố bọt biển” thấm hút nước mưa Amsterdam (Hà Lan)

Du khách thường ghé thăm Amsterdam để chiêm ngưỡng các kênh đào. Nhưng ngoài những tuyến đường thủy, thành phố này còn có một điều thú vị khác để khám phá, đó là những mái nhà đầy hoa cỏ thấm hút nước mưa để tái sử dụng.

Hệ thống “mái nhà xanh lam” phổ biến ở Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: Guardian

Trước đây, các thành phố được thiết kế để đẩy nước mưa đi càng nhanh càng tốt, ngày nay người ta thiết kế để sử dụng nguồn tài nguyên đó. Một dự án mang tên Mạng lưới phục hồi những mái nhà thông minh, sáng tạo, thích ứng với khí hậu (Resilio) đã bao phủ hơn 9.000m2 mái nhà của Amsterdam, bao gồm trên các khu phức hợp nhà ở xã hội. Trên toàn thành phố, độ che phủ của “mái nhà xanh lam” ước tính hơn 45.000m2.

Khác với kiểu trồng cây trên mái nhà trước đây, được gọi là “mái nhà xanh lục”, chỉ hấp thụ một ít nước mưa để tưới cho cây trồng ở đó, hệ thống “mái nhà xanh lam” mới bao gồm cơ sở hạ tầng thu gom nước, lưu trữ và cung cấp cho cư dân trong tòa nhà để tưới cây và xả nhà vệ sinh.

Hệ thống hoạt động theo nhiều lớp. Ðầu tiên là thảm thực vật (kết hợp rêu, cây bụi, cỏ, dương xỉ, thảo mộc và những cây chịu nắng tốt như sen đá. Bên dưới là lớp lọc, giúp đất không lọt vào lớp tiếp theo là một hệ thống thùng nhẹ để chứa nước. Cuối cùng là các lớp bổ sung để ngăn nước và rễ cây không thấm sâu vào mái nhà.

Mực nước trên “mái nhà xanh lam” được quản lý bằng van thông minh. Nếu dự báo cho biết sắp có bão, hệ thống sẽ xả nước dự trữ trên mái. Bằng cách đó, khi có mưa lớn, mái nhà sẽ lại lấp đầy nước. Nói cách khác, mái nhà như một miếng bọt biển có thể vắt ra khi cần thiết.

Khi các nhà quy hoạch triển khai nhiều không gian xanh hơn để hấp thụ những trận mưa như trút nước và ngày càng nặng hạt do biến đổi khí hậu, khái niệm “thành phố bọt biển” sẽ trở nên phổ biến.

Các dự án NbS ở Peru là bằng chứng về sức mạnh của sự hợp tác trước các thách thức môi trường và khí hậu. Khi cộng đồng bản địa, những người sử dụng nước đô thị, công ty nước và cơ quan quản lý tài nguyên bắt tay với nhau, họ tìm ra những nguồn tài trợ và cách thức mới để các bên chia sẻ kiến thức và chuyên môn nhằm đạt mục tiêu đề ra. Các chuyên gia thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định, tinh thần hợp tác như vậy có thể phát triển mạnh ở mọi nơi trên toàn cầu.

Chia sẻ bài viết