TAND TP Cần Thơ vừa xét xử vụ án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, để lại nhiều nỗi day dứt. Tòa tuyên phạt Lê Thị Bích Phượng (sinh năm 1981, ngụ tỉnh Kiên Giang) 23 năm tù; Nguyễn Hoàng Phong (sinh năm 2004, ngụ tỉnh Ðồng Nai) 18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Yến (sinh năm 1991) 16 năm tù về 2 tội danh trên và Hoàng Văn Ðộ (sinh năm 1992), cùng ngụ tỉnh Bình Dương, 5 năm tù tội mua bán người. Các bị cáo đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của các bị hại để nhẫn tâm lừa dối, bắt tiếp khách tại quán karaoke. Trả giá cho hành vi xem thường pháp luật và tham lợi bất chính, các bị cáo phải lãnh hình phạt thích đáng.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.
Phượng và Phong có mối quan hệ quen biết do cùng làm trong lĩnh vực karaoke. Khoảng cuối năm 2021, ông M, chủ quán karaoke T.N 2 (ở huyện Cờ Ðỏ) giao Phượng làm quản lý theo hình thức cùng hợp tác kinh doanh, khách đến ăn uống, hát karaoke thì ông M thu và hưởng, còn tiền tiếp viên nữ phục vụ khách cho (tiền bo) thì Phượng lấy.
Phượng thuê phòng trọ tại quán của ông M để Phượng và các tiếp viên nữ ở; thuê người quản lý, canh giữ, thu tiền bo của tiếp viên mà Phượng bỏ tiền ra mua khi Phượng vắng, không để bỏ trốn. Phượng bảo Phong có người nữ nào cần bán thì chụp hình ảnh, thông tin và gửi qua zalo cho Phượng, báo giá; nếu thấy được, Phượng sẽ mua.
Ðầu năm 2022, các bị hại tìm việc làm qua mạng xã hội, gặp một số đối tượng hứa hẹn tìm việc phục vụ quán cà phê, lương cao. Các bị hại tin tưởng, đi theo, đâu ngờ rơi trúng vào đường dây mua bán người, rồi bị bán đến các bị cáo trong vụ án. Phong bán 5 người cho Phượng; Ðộ và Yến tham gia 2 vụ bán các bị hại cho Phong rồi sau đó Phong bán lại cho Phượng.
Ðể tránh sự phát hiện khi thực hiện, Phong và Phượng lừa gạt các bị hại là nếu muốn xin việc vào làm tiếp viên tại quán karaoke T.N 2, khi có người hỏi phải nói đang nợ tiền của Phong và P.T (chưa rõ nhân thân). Do lo sợ và mong muốn có việc làm ổn định nên các bị hại làm theo yêu cầu, nhưng thực chất không nợ tiền, đây là khoản tiền mua bán người. Phượng mua với giá từ 35-65 triệu đồng/người, bắt các bị hại viết giấy nợ số tiền nhiều hơn Phượng đã trả. Các bị hại còn nhỏ tuổi và đa số đều là người dân tộc miền núi, ít hiểu biết nên rất sợ và phải chấp nhận làm nhân viên phục vụ karaoke. Thời gian làm tại quán T.N 2, các bị hại bị canh giữ, không cho ra ngoài, không được liên lạc với gia đình, tiền bo bị lấy hết, tiền lương thì bị trừ nợ. Cho đến khi 1 bị hại tìm cách nhắn cho người thân biết đang làm tại quán, gia đình vội báo cơ quan chức năng phối hợp giải cứu thì mọi việc mới đưa ra ánh sáng, chấm dứt chuỗi ngày tủi nhục.
Phiên tòa diễn ra vào đầu tháng 5-2024, đong đầy nước mắt của Phượng và người mẹ già yếu tảo tần. Phượng có 2 con còn nhỏ, mấy năm qua, bị cáo để các con sống cùng mẹ ruột của mình ở quê, còn Phượng đi làm xa. Hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, nhưng mẹ Phượng vẫn đi bán vé số kiếm tiền nuôi cháu. Con gái đi đâu, làm gì, bà không hề hay biết. Ðến khi nghe báo tin con bị công an bắt, bà suy sụp tinh thần, ăn ngủ không yên. Bà mong tòa xem xét hoàn cảnh, cho mức án nhẹ, để con gái có cơ hội sớm được về nhà, bởi bà không biết bản thân trụ được bao lâu để lo cho các cháu… Nhìn mẹ đau khổ, Phượng khóc ròng, xin lỗi mẹ và gia đình các bị hại. Phượng biện bạch do thiếu suy nghĩ, không biết việc mình làm gây ra hậu quả nghiêm trọng đến như thế. Bị cáo bày tỏ sự ăn năn, nhưng tất cả đã muộn màng.
Ðối với Kim Yến, đã ly hôn và có 2 con nhỏ. Vì hám lợi, đã bất chấp, tiếp tay với Phong mua bán người. Sau khi sự việc bị phát giác, Yến bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã tại Ðồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khi đang làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia vào cuối tháng 7-2023. Còn Ðộ có gia đình, con nhỏ nhưng không lo làm ăn chân chính, để tay nhúng chàm. Phong nhỏ nhất nhóm, thời điểm phạm tội chưa đủ 18 tuổi. Nhiều năm làm phục vụ quán karaoke, Phong có nhiều mánh khóe để dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ. Ðồng tiền kiếm được quá dễ dàng khiến bị cáo đánh mất lý trí, hủy hoại tương lai của chính mình.
Theo Hội đồng xét xử, hành vi các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền con người, quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương, cần xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội. Một số đối tượng liên quan vụ án, cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, xử lý sau.
Phiên tòa khép lại với nhiều sự tiếc nuối. Các bị cáo biết sai nhưng vẫn móc nối làm chuyện phạm pháp, gây bao hệ lụy cho bản thân và gia đình. Vụ án cũng là bài học cảnh giác cho các cô gái trẻ trên con đường mưu sinh lập nghiệp. Nếu muốn tìm việc làm hãy đến những nơi có uy tín, tin cậy, đừng dễ dàng tin lời đường mật của người lạ trên mạng xã hội mà sập bẫy, biến mình thành miếng mồi cho những kẻ bất lương.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH