14/05/2024 - 15:16

GS.TS Nguyễn Tấn Anh

Lan tỏa tiếng nói chung trong bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ 

Viện Nghiên cứu Phát triển Bảo tồn Văn hóa - nghệ thuật Ðông Nam Á phối hợp Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển đờn ca tài tử (ÐCTT) Nam Bộ và Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ vừa tổ chức lớp tập huấn kiến thức về UNESCO và công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật ÐCTT tại TP Cần Thơ. Dịp này, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, GS.TS Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn
và Phát triển ÐCTT Nam Bộ, thông tin:

-Lớp tập huấn có sự tham gia của hơn 60 học viên, là cán bộ quản lý văn hóa, du lịch, các nghệ nhân đang thực hành di sản ÐCTT Nam Bộ trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL. Các học viên được giới thiệu các chuyên đề về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO); các vấn đề về hợp tác quốc tế và bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản văn hóa của UNESCO; lịch sử, phát triển của nghệ thuật ÐCTT…

Việt Nam và UNESCO có quan hệ hợp tác lâu dài và ngày càng phát triển tốt đẹp. Rất nhiều di sản văn hóa của Việt Nam, cả vật thể lẫn phi vật thể, đã được UNESCO vinh danh, trong đó có nghệ thuật ÐCTT Nam Bộ. Trong phạm vi lớp tập huấn, chúng tôi tập trung chuyển tải nội dung và quan điểm, tiêu chí của UNESCO về bảo tồn di sản văn hóa, cũng như nội dung cam kết của Chính phủ Việt Nam theo hồ sơ khoa học nghệ thuật ÐCTT Nam Bộ đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, các cán bộ quản lý văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ đang thực hành di sản ÐCTT có quan điểm, nhận thức, tiếng nói chung nhất trong bảo tồn và phát triển di sản này. Nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành động đúng.

* Ðược biết, ông là một trong những người tham gia từ giai đoạn đầu quá trình thực hiện hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO ghi danh ÐCTT Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông có nhận định gì về giá trị của di sản này?

- Như chúng ta đã biết, ÐCTT Nam Bộ được UNESCO ghi danh vì mang nhiều giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc. Trong đó, tôi ấn tượng nhất vẫn là tính phổ biến của loại hình di sản này. ÐCTT không chỉ phân bố rộng khắp ở 21 tỉnh, thành Nam Bộ mà còn lan tỏa ở tận miền Trung, miền Bắc và theo chân người Việt Nam ra khắp thế giới. Lượng người biết, am hiểu và thực hành di sản ÐCTT cũng rất nhiều và rất phong phú. Tôi cho rằng, đây là đặc tính nổi bật nhất của ÐCTT và cũng được UNSECO đánh giá rất cao.

Là người con của Nam Bộ, tôi vốn rất yêu thích ÐCTT. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, ghi nhận về nghệ thuật này ngay khi Chính phủ Việt Nam có chủ trương thực hiện hồ sơ khoa học. Chúng tôi, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp làm việc với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu nước ngoài để có tiếng nói ở góc độ khoa học, trong đệ trình UNESCO.

* Về công tác bảo tồn và phát triển ÐCTT Nam Bộ hiện nay, ông có đánh giá gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, các địa phương đang triển khai rất tốt công tác bảo tồn và phát triển ÐCTT. Các tỉnh, thành đều xây dựng và triển khai đề án về công tác này ngay sau khi ÐCTT trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác truyền nghề của nghệ nhân, đưa ÐCTT vào phục vụ du lịch… cũng rất hiệu quả.

* Xin cám ơn ông!l

ÐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết