20/04/2025 - 08:53

“Thành phố Cần Thơ kiên cường bất khuất đã được giải phóng!” 

“Ðồng bào Cần Thơ thân mến! Ðại diện của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ đã tiếp thu Ðài Phát thanh Cần Thơ. Quân giải phóng sẽ tiến vào tiếp quản toàn bộ thành phố… Cơ hội ngàn năm có một đã đến. Thành phố Cần Thơ kiên cường bất khuất đã được giải phóng!...”. Ðó là những lời trong Bản Tuyên bố do đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) đọc tại Ðài Phát thanh Cần Thơ vào lúc 3 giờ chiều 30-4-1975.

Tượng đài Chiến thắng 30-4-1975 trong khuôn viên Ðài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ (hiện nay).

Tại không gian trưng bày về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ở Bảo tàng TP Cần Thơ, có nhiều hình ảnh về sự kiện trọng đại này. Trong đó có hình ảnh 3 giờ chiều 30-4-1975, đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Cần Thơ kêu gọi đồng bào nổi dậy giành chính quyền. Hay là hiện vật chiếc micro mà đồng chí Nguyễn Văn Lưu đã dùng để đọc Bản Tuyên bố trong buổi chiều lịch sử cách đây nửa thế kỷ. Đặc biệt, có văn bản của Bản Tuyên bố này.

Theo giới thiệu của Bảo tàng TP Cần Thơ, sau khi được Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Cần Thơ phân công chiếm Đài phát thanh và đọc lời kêu gọi, đồng chí Nguyễn Văn Lưu đã hội ý với các thành viên Tổ C14 đi từ Tham Tướng đến Đài bằng xe gắn máy, tự thảo lời kêu gọi và đọc trên sóng phát thanh của Đài. Văn bản đã hư cũ, đồng chí viết lại rồi pho-to gửi bảo tàng làm tư liệu trưng bày. Lời đọc đó còn được thu vào một cuộn băng chuyên dùng của Đài để có thể phát lại khi cần.

Hình ảnh, hiện vật liên quan đến Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 được trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh giữa là cảnh đồng chí Nguyễn Văn Lưu đang đọc Bản Tuyên bố.

Lời kêu gọi của Ủy ban Khởi nghĩa được sang ra băng cát-sét phục vụ việc kỷ niệm ngày 30-4-1975 tại Cần Thơ sau này. Bản tuyên bố lúc đó được viết trên loại giấy pô-luya, loại giấy mỏng để đánh máy, viết bằng mực bút bi màu xanh đậm. Đồng chí Nguyễn Văn Lưu giữ cho đến khoảng năm 1990 thì pho-to 1 mặt, loại giấy vàng khổ giấy A4. Sau này, đồng chí lại pho-to ra một bản nữa loại giấy trắng, cũng khổ giấy A4. Bản gốc đã bị mối ăn.

Bản Tuyên bố được trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

Từ văn bản đang được trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ, xin giới thiệu toàn văn Bản Tuyên bố:

“Đồng bào Cần Thơ thân mến!

Đại diện của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ đã tiếp thu Đài Phát thanh Cần Thơ.

Quân giải phóng sẽ tiến vào tiếp quản toàn bộ thành phố.

Đồng bào hãy bình tĩnh, giữ gìn trật tự, an ninh chung.

Các Đội tự vệ hãy giữ gìn trật tự, an ninh chung, bảo vệ tánh mạng, tài sản của đồng bào. Cương quyết trừng trị bọn cướp bóc, hãm hiếp, phá hoại trật tự an ninh chung.

Micro mà đồng chí Nguyễn Văn Lưu đã dùng để đọc Bản Tuyên bố.

Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ tuyên bố:

 Xóa bỏ ngụy quyền phản động kềm kẹp đồng bào.

 Giải tán các lực lượng võ trang, bán võ trang thuộc ngụy quyền Sài Gòn.

 Giải tán các tổ chức chánh trị phản động.

 Hủy bỏ lịnh giới nghiêm do ngụy quyền đặt ra trước đây.

Chúng tôi kêu gọi:

 Tất cả nhân viên, công chức nên có mặt lại nhiệm sở để hoạt động lại bình thường.

 Đặc biệt, các xe phóng thanh của Phòng Thông tin phải phổ biến những lời kêu gọi của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ và các chánh sách của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong đêm nay (30-4-1975).

 Đồng bào hãy hạ cờ 3 sọc, treo cờ của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (cờ đỏ, xanh, sao vàng).

 Đồng bào hãy trở lại sinh hoạt bình thường (làm ăn, mua bán).

 Các tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh, phụ nữ, công đoàn giải phóng, lực lượng thứ 3, các tôn giáo… hãy góp phần giữ gìn trật, an ninh chung.

 Công nhân, viên chức hãy bảo quản tài liệu, hồ sơ, vũ khí, tiền bạc, phương tiện, dụng cụ chung.

 Anh em viên chức nào lánh mặt hãy ra trình diện tại nhiệm sở đem nạp tất cả đồ đạc của công cho chánh quyền cách mạng.

Đồng bào thân mến!

Cơ hội ngàn năm có một đã đến. Thành phố Cần Thơ kiên cường bất khuất đã được giải phóng!

Đồng bào hãy tích cực góp phần bảo vệ chánh quyền cách mạng, sẵn sàng nghe theo lời của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ và chấp hành tốt các chính sách của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đề ra.

Ngày 30-4-1975

Đại diện Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ”

Thời điểm tháng 4-1975, đồng chí Nguyễn Văn Lưu là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Trưởng Ban Mặt trận Thành ủy, Chỉ huy Ủy ban Khởi nghĩa nội ô thành phố Cần Thơ.

*

*    *

Về sự kiện lịch sử này, vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2013), đồng chí Nguyễn Văn Lưu có gửi đến Báo Cần Thơ bài hồi ký với nhan đề “Nhớ lại ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại thành phố Cần Thơ”. Theo đó, trong tháng 3 và 4-1975, Thường vụ Khu ủy Tây Nam Bộ họp Ban Chấp hành mở rộng và Ban Thường vụ thành phố Cần Thơ bàn kế hoạch tiến công và nổi dậy ở thành phố Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ lúc đó gồm 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy (hiện nay) cộng với 2 phường Hưng Phú và Hưng Thạnh. Theo chủ trương của Đảng, khu vực Tây Nam Bộ lấy thành phố Cần Thơ làm chỉ đạo riêng để giải phóng thành phố sớm, có tác dụng với nơi khác.

Thành ủy đưa vào nội thành hơn 100 cán bộ trung cấp, sơ cấp, lập các ban chỉ huy khu vực và điểm khởi nghĩa. Thành phố có 40 cán bộ, đảng viên, 200 cán bộ quần chúng, 100 tay súng ở các điểm khởi nghĩa, có 8 chi bộ Đảng, 15 tổ hạt nhân Đảng, 7 chi đoàn thanh niên, tổ cốt cán và tổ công đoàn, 30 tổ tự vệ và an ninh. Toàn thành phố có 5 khu vực và 15 điểm khởi nghĩa.

Riêng đồng chí Nguyễn Văn Lưu vào nội thành ngày 12-4-1975, cùng với một số cán bộ và giao liên nữ. Đồng chí ở nhà các cơ sở mật của ta như nhà ông Út Dương, nhà bà Út Chót. Thời gian này, đồng chí xây dựng nhiều chỗ ăn ở (quyết bám trụ chiến đấu), đã tạo được 5 chỗ trong nội thành và 1 điểm ở vùng ven.

Tối 29-4-1975, đồng chí Nguyễn Văn Lưu được nghị quyết về Tổng tiến công và nổi dậy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí dời qua nhà ông Út Dương để tiện việc chỉ huy khởi nghĩa. Sáng 30-4-1975, đồng chí đi truyền đạt lệnh khởi nghĩa. Sau đó, để giải thoát tù chính trị, đồng chí tìm gặp bác sĩ Lê Văn Thuấn (cơ sở mật của ta), bàn với ông về việc lấy danh nghĩa Hội Hồng thập tự xin thả tù chính trị để trị bệnh. Bác sĩ Lê Văn Thuấn đi ngay, đến 3 nơi. Trại giam Cầu Bắc (Nha Cảnh sát Miền Tây) và Trại giam Khám lớn, thả được khoảng 6.000 tù chính trị và thường phạm. Còn tại Trại Tù binh và lao công đào binh, thả không được. Sau đó, số tù binh này lập 2 tiểu đoàn với 700 quân, lấy tên tiểu đoàn Quyết Thắng I và Quyết Thắng II.

Để ổn định đồng bào, đồng chí Nguyễn Văn Lưu đến tiệm thuốc tây Tham Tướng ở đường Lý Thái Tổ gặp bà Sáu Hiếu (cơ sở bí mật) bàn việc chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ. Bà Sáu Hiếu gợi ý về ông Trần Kim Toàn (Năm Toàn), Trưởng Phòng Hành chánh - Quản Trị - Đài Phát thanh Cần Thơ. Đồng chí Năm Lưu tìm gặp và đề nghị ông Năm Toàn dẫn vào chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ. Ông Năm Toàn rất sẵn sàng. “Tôi nhờ chị Sáu Hiếu đi kêu một số cán bộ như Sáu Minh, Sáu Biên và kêu số cán bộ chọn 4 phòng vệ dân sự có võ trang (cơ sở mật của ta), tìm nhiếp ảnh và mang theo cả truyền đơn... Tôi dự thảo bản tuyên bố” - đồng chí Nguyễn Văn Lưu nhớ lại.

Với 6 xe gắn máy, 12 người trực chỉ Đài Phát thanh Cần Thơ lúc 14 giờ Sài Gòn (sớm hơn giờ Hà Nội 1 giờ). Đến nơi, đồng chí Nguyễn Văn Lưu và các ông: Năm Toàn và Sáu Biên (Trương Văn Biên) vào phòng Quản đốc Mã Thành Chung. Số còn lại ở ngoài sân do ông Sáu Minh điều khiển, hạ cờ 3 sọc, kéo cờ Mặt trận lên.

Đồng chí Nguyễn Văn Lưu giới thiệu là người của Mặt trận dân tộc giải phóng đến tiếp quản Đài Phát thanh, yêu cầu Quản đốc nếu muốn lập công với Cách mạng thì nhanh chóng giao Đài Phát thanh. Tên Quản đốc trả lời rằng, Đài Phát thanh trực thuộc Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, chưa có lệnh ông không dám giao nhưng đồng chí Nguyễn Văn Lưu liền đáp: “Tư lệnh còn đâu nữa, đã di tản rồi (thật ra tên tướng Nguyễn Khoa Nam vẫn còn tại tư dinh). Xin nhắc lại: Nếu muốn lập công thì giao Đài Phát thanh”.

Quản đốc dẫn đồng chí Nguyễn Văn Lưu và Sáu Biên vào phòng thu âm để thử tiếng nói. Sau đó, ghi âm bản tuyên bố do đồng chí đọc. Nghe thử đã đúng, 15 giờ, đồng chí đồng ý cho phát Bản Tuyên bố và tiếp theo là 3 bản thông báo chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Lời tuyên bố của cách mạng phát trên Đài Phát thanh Cần Thơ, đã cổ vũ quần chúng khắp nơi trong thành phố Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL nổi dậy, giành chánh quyền về tay nhân dân.

Để ghi nhớ sự kiện này, sau ngày đất nước thống nhất, Tượng đài Chiến thắng 30-4-1975 đã được xây dựng và khánh thành trong khuôn viên Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ (hiện nay).

Ðồng chí Nguyễn Văn Lưu, tên thường gọi Năm Bình, bí danh Vũ Lân, (1923-2018), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (cũ). Ðồng chí quê quán xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, xuất thân từ gia đình nông dân, từ tháng 3-1945 là thanh niên Tiền Phong, nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Sóc Trăng rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Mỹ Tú.

Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Lưu.

Hiện nay, tên đồng chí Nguyễn Văn Lưu được chọn đặt cho tuyến đường giới hạn từ đường dẫn cầu Cần Thơ đến đường Lê Trọng Tấn, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

--------------

Tài liệu tham khảo:

- Nguyễn Văn Lưu, “Nhớ lại ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại thành phố Cần Thơ”, Báo Cần Thơ, 27-4-2013.

- Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ, “Điếu văn Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (cũ)”, 2018.

- Tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ

Chia sẻ bài viết