“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là phim điện ảnh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tác phẩm kể câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, tinh tế và lan tỏa những giá trị sâu sắc. Với khán giả, phim là hành trình cảm xúc vừa nghẹt thở, vừa thổn thức.
Phim khởi chiếu tại các rạp toàn quốc từ ngày 4-4 và đến ngày 11-4 đã đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng.

Cảnh các chiến sĩ thể hiện quyết tâm chiến đấu.
Phim lấy bối cảnh năm 1967 tại căn cứ Bình An Đông, địa đạo Củ Chi - “thành trì thép” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đội du kích gồm 21 người, do chiến sĩ Bảy Theo (Thái Hòa), hoạt động bí mật trong hệ thống địa đạo chằng chịt dưới lòng đất. Lần này, họ nhận được nhiệm vụ bảo vệ căn cứ để nhóm tình báo chiến lược của chiến sĩ Hai Thưng (Hoàng Minh Triết) truyền tải thông tin mật qua sóng vô tuyến. Khi bị quân đội Mỹ phát hiện, đội du kích phải đối mặt với những cuộc càn quét dữ dội bằng xe tăng, bom đạn, hóa chất độc hại... Cuộc chiến không cân sức diễn ra khốc liệt và lần lượt từng chiến sĩ hy sinh, nhưng họ vẫn kiên cường chiến đấu đến giây phút cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ.
Với thời lượng 128 phút, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không đặt tham vọng phác họa toàn bộ bức tranh về địa đạo, mà chỉ tái hiện một giai đoạn, một nhiệm vụ sống còn của đội du kích. Do đó, phim không có những màn chiến đấu với đại cảnh hoành tráng, càng không được khai thác theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân hay nhân vật chính nổi bật. Thay vào đó, phim mang phong cách tài liệu gồm những lát cắt cuộc sống, với cách mô tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng về đời sống và cách chiến đấu của đội du kích dưới lòng địa đạo Củ Chi. Tất cả được khắc họa đậm chất điện ảnh, không có lời dẫn, không có hồi tưởng mà được thể hiện rõ nét qua từng góc quay, khung hình để rồi người xem tự cảm nhận những gian khổ và hy sinh của đội du kích.
Mạch phim điềm tĩnh nhưng khán giả lại sốt ruột vì cảm nhận được độ chân thật qua từng đợt rung lắc dưới địa đạo, đất cát bay mù mịt khi Mỹ bỏ bom hay càn quét; sự ngột ngạt và bí bách khi phải chui dưới đường hầm chật hẹp, quanh co suốt thời gian dài; tông màu nâu đất của bùn lầy, mồ hôi, áo vải như thấm vào da thịt các nhân vật trong hầu hết thời lượng phim càng làm bật những gian khổ và sự kiên cường của cha ông ta trong cuộc chiến trường kỳ. Hiếm hoi có những giây phút yên bình, những người lính lại vui vẻ cười đùa bên nhau, ca hát, xem phim… Niềm vui tinh thần nhỏ nhoi ấy đã tiếp thêm động lực để họ tiếp tục bám trụ và chiến đấu đến cùng. Phân đoạn đội trưởng Bảy Theo yêu cầu một số người lên mặt đất, về vùng an toàn để tránh hy sinh toàn bộ lực lượng, nhưng không ai chịu đi khiến người xem thêm kính phục.
Bên cạnh đó, mỗi vai diễn được xây dựng với tính cách đặc trưng, tạo nên hệ thống nhân vật đa màu sắc. Từ đội trưởng Bảy Theo nóng tính đến chú Sáu điềm đạm, Tư Đạp gan lì, Ba Hương cá tính, Út Khờ dịu dàng, Cấm dũng cảm… từng chút một đi vào lòng khán giả, để rồi khi mỗi người ngã xuống, người xem xúc động, tiếc thương. Họ vốn là những người nông dân, vì yêu nước mà vác súng bảo vệ quê hương, không phải quân đội được đào tạo chính quy, nhưng vẫn tràn đầy tinh thần quả cảm. Chính vì vậy khi cuộc chiến ngày càng căng thẳng, thương vong càng nhiều, người xem không khỏi xót xa khi nghe Bảy Theo bộc bạch: Tui lo cho mấy đứa nhỏ, tụi nó còn lớ ngớ lắm, chỉ rành chui hầm, bẫy chông. Họ là du kích mà, biết đánh đấm gì đâu.
Đạo diễn đã sử dụng những thủ pháp làm bật sự chênh lệch giữa lực lượng quân sự 2 bên: quân Mỹ đoàn đoàn lớp lớp trang bị vũ khí hiện đại, lính đặc nhiệm thiện chiến trong khi du kích Việt chỉ có mười mấy người, bắn súng còn trật, vũ khí ít ỏi, thô sơ, chiến đấu bằng mưu trí và ý chí kiên cường. Càng về cuối, mạch phim càng nhanh, hành động càng gay cấn, kịch tính. Đỉnh điểm là trận bố ráp, càn quét ở cuối phim, quân đội Mỹ thâm nhập địa đạo, dồn từng chiến sĩ vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Phim có phần nhạc nền và âm thanh tuyệt vời, cùng với thiết kế bối cảnh địa đạo Củ Chi rất thật, khiến người xem nghẹt thở trong từng khung hình dưới lòng đất và cả cảnh oanh tạc bom rơi, đạn nổ, lửa cháy… trên mặt đất. Ngoài những phân cảnh chiến đấu, phim còn khai thác đời sống tình cảm của các chiến sĩ, những giằng xé nội tâm và cả những lỗi lầm do những ẩn ức bị dồn nén…
“Địa đạo là chiến tranh nhân dân” là thông điệp quan trọng mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lồng ghép thông qua sự ra đi đầy kiêu hãnh của một nhân vật trong phim. Phân cảnh này khiến người xem tự hào vì sự mưu trí và dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng khi đối mặt trực tiếp để đàm phán với kẻ thù. Tên phim “Mặt trời trong bóng tối” cũng là lời khẳng định rằng: chiến tranh có thể chôn giấu con người dưới lòng đất nhưng không bao giờ che khuất được ý chí vươn lên, để thắp sáng con đường cách mạng trường kỳ của dân tộc đi đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Phim cũng là cầu nối để thế hệ trẻ ngày nay hiểu và trân quý hơn giá trị của hòa bình.
CÁT ĐẰNG