Ở Cần Thơ, có một nhóm bạn trẻ quảng bá văn hóa miền Tây bằng những ấn phẩm mới mẻ, mang màu sắc riêng biệt. Các ấn phẩm này được du khách, nhất là khách nước ngoài, rất ưa chuộng. Câu chuyện về cách ăn, lời nói của người miền Tây được lan tỏa qua cách thể hiện hợp xu hướng, mà người trẻ quen gọi là “bắt trend”.
Từ những tờ zine
Sản phẩm của nhóm bạn trẻ này làm ra là những ấn phẩm như lịch, áp-phích, bưu thiếp, sổ tay… và đặc biệt là những tờ zine. Zine là một thành tố trong từ “magazine” (tạp chí), được hiểu nôm na là ấn phẩm độc lập, thường được in với số lượng giới hạn, bằng phương pháp thủ công, kết hợp nhiều chất liệu, phong cách thể hiện. Mỗi tờ zine là một sản phẩm gần như độc bản.

Ngọc Sương (bìa trái) và các thành viên Lộn Xộn bên các sản phẩm về văn hóa miền Tây.
Ngôi nhà của nhóm bạn trẻ đang ở tại đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, đầy màu sắc với các ấn phẩm, nội dung phong phú văn hóa miền Tây. Có thể kể nhiều ấn phẩm chuyên đề về mắt ghe ở miền Tây, đơn cử là “Con mắt miền Tây - một zine nhỏ về đôi mắt ghe ở miền Tây”. Trong zine này, tác giả lý giải thấu đáo về tục vẽ mắt ghe, các phong cách, màu sắc khác nhau ứng với từng địa phương… Tờ zine viết: “Một số người cho rằng, phải vẽ mắt cho ghe để hù thủy quái, hù các con cá sấu hoặc cá nhỏ hơn để tụi nó không công kích tàu thuyền, ghe xuồng”.
Hay với tờ “Trái cây miền Tây”, tác giả giới thiệu nhiều đặc sản như dừa sáp Trà Vinh, nhãn tím Sóc Trăng, quýt hồng Lai Vung - Đồng Tháp, vú sữa Vĩnh Kim - Tiền Giang, măng cụt Bến Tre… Thú vị hơn, nhóm bạn trẻ có các ấn phẩm chuyên đề về cách sử dụng màn của người miền Tây, màn từ nhà đến ghe, từ cửa phòng đến ngoài hiên, trước nhà… Hay là “Sắc tố gạch bông”, là những câu chuyện tường tận về gạch bông hồi xưa được lót trong những ngôi nhà miền Tây, với màu sắc, hoa văn rất đặc trưng. Và còn có những ấn phẩm về di tích, điểm đến du lịch miền Tây rất hấp dẫn.
Nhưng có lẽ, nhiều tờ zine trong bộ sưu tập của họ là giới thiệu về phương ngữ miền Tây. Từ “dị hen”, “hổ lốn”, đến “trần thân”, “ráo trọi”… và hàng trăm từ ngữ đặc sệt miền Tây được nhóm lý giải, phân tích rất thú vị. Điểm đặc biệt ở những sản phẩm này là nhóm làm theo phong cách hiện đại, từ ngữ rất trẻ trung, hợp xu hướng và pha chút dí dỏm, vui đùa.
Chuyện của Sương
Nhóm bạn trẻ ấy có tên là Lộn Xộn và trưởng nhóm là cô gái Cécile Ngọc Sương Perdu, sinh năm 1996, hiện là giảng viên Thiết kế đồ họa của Trường Đại học RMIT (TP Hồ Chí Minh). Cha của Sương là người Pháp, mẹ là người Việt Nam. Bạn bè hay gọi cô gái ấy là Ngọc Sương - người có tình yêu văn hóa miền Tây từ khi còn bé.
Một số sản phẩm thiết kế của Lộn Xộn.
Ngọc Sương kể, lúc còn là sinh viên, cha cô đọc được các sách, tài liệu về văn hóa Việt Nam và bị cuốn hút bởi đất nước chứa đựng bao điều thú vị này. Sau khi tốt nghiệp đại học, cha cô chọn rời nước Pháp, qua Việt Nam làm việc, sinh sống. Sau khi lập gia đình với một cô gái miền Tây, vợ chồng họ mua một con tàu vận tải ở xóm đóng ghe tàu Ngã Bảy (Hậu Giang), cải tạo thành tàu du lịch để vừa làm kinh doanh, vừa được dịp khám phá miền Tây. Nhờ vậy, cô gái sinh năm 1996 cũng yêu văn hóa miền Tây từ lúc nào, dù có thời gian cô du học ở Anh, lại học chuyên ngành thiên về công nghệ.
Ngọc Sương kể, trước đây cô là giảng viên của Trường Đại học FPT Cần Thơ, cũng chuyên về thiết kế đồ họa. Cô ấp ủ thành lập một cộng đồng thiết kế ở Cần Thơ. Cách nay khoảng 4 năm, Ngọc Sương tập hợp sản phẩm đồ họa của các sinh viên chuyên ngành để gửi tham gia Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Việt Nam và được đánh giá cao. Từ đó, Ngọc Sương lập nhóm, lấy tên là Lộn Xộn, duy trì hoạt động đến nay. Lộn Xộn kết nối những bạn trẻ đam mê sáng tạo nội dung số, nhất là về đề tài văn hóa bản địa. Ngọc Sương chia sẻ: “Lộn Xộn muốn giới thiệu văn hóa miền Tây theo cách riêng của những người trẻ chuyên về công nghệ”.
Và chuyện của nhóm Lộn Xộn
6 thành viên của Lộn Xộn đều là những bạn trẻ tâm huyết quảng bá văn hóa bằng công nghệ. Các bạn chia sẻ rằng, nói về đặc trưng miền Tây, có nhiều điều người ta không biết hoặc không để ý vì quá quen thuộc. Nhưng với du khách, nhất là khách nước ngoài, đó thực sự là những câu chuyện đầy thú vị. Vốn học thiết kế đồ họa, nhóm làm nên những sản phẩm sáng tạo, ngôn ngữ trẻ trung, vui tươi, không rập khuôn.
Ngọc Sương cho biết: “Sản phẩm của nhóm hiện được khách hàng chọn lựa, chủ yếu là người trẻ và khách nước ngoài. Các cuốn zine của Lộn Xộn còn có phiên bản tiếng Anh và đã theo chân du khách đến nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm chuyên ngành. Nhờ đó mà nét đẹp của miền Tây nói riêng, Việt Nam nói chung được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn”. Ngoài bán online, nhóm còn có một điểm bán cố định tại Nhà lồng chợ Cần Thơ ở Bến Ninh Kiều. Giá cho mỗi sản phẩm dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, tùy vào nội dung, chất liệu in…
Nhóm áp dụng kỹ thuật in Risograph (gọi tắt là in Riso) rất phổ biến trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. In Riso giúp tránh ô nhiễm môi trường vì chất liệu in từ dầu cám gạo, dầu đậu nành, sơ chuối… Đặc biệt, với cách làm mực thủ công, nhiều chi tiết trên ấn phẩm khi chiếu đèn tia cực tím, sẽ phát quang rất độc đáo. Ngọc Sương giải thích thêm, in Riso không sắc nét, các lần chồng màu lên nhau không trùng khớp, tạo nên độ lệch, từ đó làm cho mỗi ấn phẩm là một độc bản, mang màu sắc cổ điển. Ngoài ra phương pháp in này còn có thể kết hợp với cách xếp trang độc đáo, khi thì gấp vào, lật ra, thậm chí lộn ngược từ trong ra ngoài mới có thể đọc thông tin… làm nên ấn phẩm thú vị.
Phan Văn Khải, thành viên nhóm Lộn Xộn, đưa tôi xem ấn phẩm “Ăn xơi miền Tây”, do anh tự thiết kế, viết nội dung. Tờ zine này giới thiệu các món ăn đặc sản miền Tây như cù lao, canh chua bông điên điển... Sản phẩm được minh họa bằng tranh vẽ ấn tượng, lời thuyết minh ngắn gọn, vui tươi. Khải cho biết: “Tôi cố gắng làm sao để người chưa ăn món ăn miền Tây vẫn có thể hiểu, cảm nhận được. Đây là sản phẩm mà tôi rất tâm đắc”. Còn Nguyễn Khả Tú, cô gái 21 tuổi, học ngành Thiết kế đồ họa cũng bị cuốn hút bởi những ấn phẩm của Lộn Xộn đăng tải trên mạng xã hội mà tìm đến xin làm cộng tác viên, rồi giờ là thành viên của nhóm. Tú cho biết, qua mỗi sản phẩm, điều các em mong muốn không chỉ là làm ra sản phẩm để bán mà còn truyền cảm hứng và tình yêu về văn hóa miền Tây đến với mọi người.
Các thành viên của Lộn Xộn nói rằng, dù là thông tin ngắn, phong cách trẻ trung, vui tươi nhưng mỗi sản phẩm đều cần độ chính xác cao. Do đó, khi xác định đề tài cho sản phẩm, nhóm tìm đọc tài liệu trên mạng, sách, báo để tổng hợp và xử lý thông tin một cách chuẩn xác nhất.
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH