09/04/2025 - 13:31

Khi sinh viên góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật 

Trong tháng 3 và tháng 4, nhiều nhóm sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học FPT Cần Thơ thực hiện các đồ án tốt nghiệp. Các đồ án đa dạng về thể loại, phong phú phương thức thể hiện, đặc biệt là có nội dung tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

Các sản phẩm làm từ lục bình được vẽ tranh và trang trí nghệ thuật tại triển lãm “Sắc Lục Bình”. Ảnh: CTV

Cuối tuần qua, ngày 5-4, nhóm Biên Hải tổ chức buổi công chiếu phim phóng sự “Ký sự biển đảo Phương Nam”. Bộ phim dẫn dắt người xem khám phá Phú Quốc không chỉ dưới góc nhìn du lịch mà còn trong bối cảnh lịch sử khai phá vùng Hà Tiên, với những dấu ấn công lao của ông Mạc Cửu trong giai đoạn này. Kết hợp giữa hình ảnh thực tế, tài liệu lịch sử và thông điệp ý nghĩa, “Ký sự biển đảo Phương Nam” thể hiện tinh thần yêu nước cũng như trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của thế hệ trẻ.

Bộ phim do nhóm sinh viên Mai Linh Như, Phạm Đào Hải Dương, Huỳnh Cao Minh Thông và Lê Huỳnh Cẩm Thy thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy Lương Hoàng Nam. “Nhóm đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc tìm kiếm tư liệu lịch sử chính xác về hành trình của Mạc Cửu cũng như xác thực nguồn thông tin chính thống. Đồng thời, việc biểu đạt nội dung một cách thu hút và trực quan nhất cũng là thử thách không nhỏ đối với nhóm. Tuy nhiên, nhờ vào tâm huyết và tinh thần quyết tâm, bộ phim đã hoàn thành”, Mai Linh Như chia sẻ. 

Trước đó, trong tháng 3, các đồ án khác cũng lần lượt được công bố và nhận được những đánh giá tích cực, sự yêu thích của nhiều người. Chẳng hạn, chương trình nghệ thuật “Nhất Huyền Vạn Sắc Hòa Âm” của các sinh viên Nguyễn Như Quỳnh, Lê Trần Hoàng Vĩ, Trương Quỳnh Anh, Nguyễn Huỳnh Yến Vy và Nguyễn Hữu Kiệt đã lấy cảm hứng từ đàn bầu.

Chương trình khai thác sự giao thoa giữa “Nhất Huyền” (sợi dây đàn duy nhất, biểu tượng của sự tinh túy) và “Vạn Sắc” (sự đa dạng của sắc thái nghệ thuật), nhằm khuyến khích thế hệ trẻ ứng dụng yếu tố văn hóa dân tộc trong định vị bản sắc cá nhân. Chương trình có 3 chương, gồm các tiết mục độc tấu đàn bầu, hòa tấu đàn bầu cùng các nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ hiện đại, múa... tạo nên một không gian nghệ thuật, thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời, chiếu các video phóng sự khẳng định trong dòng chảy lịch sử dân tộc, âm nhạc truyền thống hiện diện qua các giai đoạn; trong đó có vai trò của đàn bầu từ dân gian đến cung đình, rồi vươn ra thế giới… Tất cả các tiết mục do các giảng viên, sinh viên của Bô môn nhạc dân tộc hỗ trợ biểu diễn. Cô Huỳnh Ngọc Đông Giao, giảng viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện Trường Đại học FPT Cần Thơ, nhận xét: “Chương trình để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Đây là cơ hội để các bạn trẻ học hỏi, thử sức và đóng góp một cách thực tế nhằm khẳng định giá trị cá nhân qua chính bản sắc dân tộc mình.” 

Cũng chọn trình diễn trên sân khấu nhưng sự kiện âm nhạc “Bolero - Kể sử qua những khúc tình ca” của nhóm sinh viên Hồ Nguyễn Bảo Vy, Nguyễn Ngọc Trân, Lê Võ Nhật Khoa, Huỳnh Nguyễn Thanh Trúc, không diễn ra trong hội trường mà biểu diễn tại một quán cà phê với không gian rộng rãi, ấm cúng. Chương trình được xây dựng trải qua 3 hồi, tượng trưng cho 3 giai đoạn của Bolero: “Thăng”, “Giáng” và “Bình”. Mỗi giai đoạn được tái hiện qua những màn trình diễn đầy cảm xúc của các ca sĩ trẻ, kết hợp với lối dẫn chuyện thu hút, giúp khán giả có cái nhìn toàn diện hơn về hành trình của Bolero.

Ở một góc độ khác, nhóm sinh viên Phan Thị Nhã Phương, Nguyễn Ngọc Bảo Trân, Nguyễn Đoan Trang, Lê Duy Nguyễn chọn triển lãm về sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình mang tên “Sắc Lục Bình” làm đồ án tốt nghiệp. Người tham gia sẽ được dẫn dắt qua từng khu vực của triển lãm, bắt đầu là hình ảnh bụi lục bình nguyên mẫu. Tiếp theo là quá trình xử lý lục bình trước khi các sợi lục bình được đem ra đươn thắt (phơi khô, tạo thành sợi và các dụng cụ xử lý lục bình), tới giai đoạn những sợi lục bình được đươn thành hình dạng cụ thể. Cuối cùng là khu vực trưng bày sản phẩm làm từ lục bình, thể hiện sự đổi mới, khả năng hội nhập quốc tế của nghề đan lát lục bình. Sau triển lãm, người tham gia có thể check-in tại các khu vực trưng bày ở sảnh chính hoặc tham gia vẽ tranh lên giấy lục bình và miếng lót ly từ lục bình... Sinh viên Phan Thị Nhã Phương cho biết: “Nhóm mong muốn lan tỏa giá trị của nghề thủ công đan lát lục bình qua nghệ thuật bằng cách vẽ hoặc trang trí lên sản phẩm, giúp sản phẩm tiếp cận nhiều hơn với khách hàng và du khách. Giải pháp này không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn mang lại sự mới mẻ, tăng tính thẩm mỹ và thu hút khách hàng cho doanh nghiệp”.

*   *   *

Mỗi đồ án của sinh viên là tâm huyết, thể hiện tinh thần sáng tạo, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của thế hệ trẻ.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết