31/03/2025 - 14:13

Đọc thơ Trần Sang - “Thời gian là vòng lặp lại” 

“Nương theo dòng chảy” (NXB Đà Nẵng) là nhan đề tuyển tập thơ của nhà thơ Trần Sang vừa ra mắt. Lần giở từng trang sách, người đọc nương theo những dòng thơ mà cảm nghiệm về dòng chảy cuộc đời.

Tập thơ “Nương theo dòng chảy” của nhà thơ Trần Sang.

Tôi ấn tượng về tập thơ này ngay từ bài thơ đầu tiên, mang tên “Vòng tròn”. Bài thơ có đoạn: “Thời gian là vòng lặp lại/ mình xoay trong những tháng ngày/ đi mãi có lần sẽ gặp/ chính mình lạc lối hôm nay”.

Từ xúc cảm ấy, tôi đọc và cảm thơ Trần Sang với một chút suy tư, một chút trăn trở và cả những triết lý cuộc đời càng đi đường dài, càng thấm thía. Như là với “Mê cung dữ liệu”, Trần Sang trăn trở về mạng xã hội, về những “cổ máy kiếm tìm” như tạo nên khoảng cách của người với người: “Ngày mai ai còn nhớ/ khi lịch sử hóa chuỗi nhị phân/ cảm xúc thu mình trong biểu tượng/ một “like” một “love” một “haha”/ che giấu nỗi trống rỗng bên trong”.

Tôi lại tìm thấy trong tập thơ này những bài thơ nhẹ nhàng, bình yên ngay từ nhan đề. Đó là một “Buổi sáng nghe chim hót”, hay là “Nghe hoa quỳnh tỏa hương”, hay đơn giản chỉ là một chuyến “Về”. Trong cơ hồ những dòng thơ êm dịu, lại bắt gặp một Trần Sang đau đáu: “Về cày xới lại mảnh đất chôn nhau/ tìm gốc gác/ hai mươi năm lưu lạc/ có ngờ đâu lục bình trôi lại không trổ bông?” (“Về”).

Hình tượng lớn, cảm xúc dài trong “Nương theo dòng sông” có lẽ là về quê, về sông và về mẹ. Lần nọ, chia sẻ về việc “đứa con tinh thần” này sắp ra mắt, nhà thơ Trần Sang trải lòng về nỗi đau khôn nguôi khi mẹ anh rời xa cõi tạm. Vậy nên, trong tập thơ này: “Tôi viết về mẹ, về những ngày thơ ấu êm đềm, về góc nhà cũ nơi mẹ vẫn ngồi vá áo. Tôi viết về những tiếng gọi thân thương, những nụ cười hiền hậu, những lần mẹ lặng lẽ tiễn tôi đi mà chẳng nói gì nhiều ngoài câu dặn dò quen thuộc”. Anh cũng tâm sự rằng, gần 10 năm âm thầm viết, giữ lại những vần thơ như những mảnh ghép của ký ức, của những cảm xúc từng đi qua. Không vội vàng, không ồn ào, cứ lặng lẽ mà viết, mà cất giữ. Tưởng chừng sẽ mãi chỉ là những dòng riêng tư, nhưng rồi cũng đến lúc để thơ bước ra ngoài ánh sáng. Với anh, “Nương theo dòng chảy” là một hành trình, là những điều muốn nói mà chưa từng cất lời...

Quả vậy, càng lần giở những trang sách về sau, bạn đọc như bắt gặp những ký ức của mình trong ký ức Trần Sang. “Cây đèn dầu” ở góc nhà “đổ bóng mình trong bụi thời gian”. Ước muốn “ta về ta tắm ao ta”, Trần Sang viết trong “Về đồng” có một câu thơ như thảng thốt, như hụt hẫng và như làm nghẹn lòng người đọc: “Nửa đời chợt thấm giọng ru quê nhà”. Phải chăng, đợi đã quá nửa đời phiêu dạt, ta mới thấm được giọng ru quê nhà, lúc tìm về đã đá nát vàng phai, bao dáng hình giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Vậy đó, đọc hết “Nương theo dòng chảy”, tôi lại thấu cảm câu thơ “Thời gian là vòng lặp lại” của anh. Hàng triệu tỉ vòng lặp lại ấy, có thể mình sẽ lại vào đúng vị trí cũ, nhưng cảnh xưa người cũ liệu có còn và liệu mình có còn là mình của ngày xưa. Nghĩ suy của Trần Sang trong bài thơ “Hẹn” kết thúc tập thơ thật hay: “Xin hẹn nhau phía ngày mai/ tôi về vén lại sương phai tóc mình”.

Nhà thơ Trần Sang sinh năm 1985, quê Tân Châu - An Giang. Anh hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Tập thơ này là ấn phẩm đã phát hành thứ 3 của anh, sau tập thơ “Sông muôn đời vẫn thế” (2014) và tập ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu” (2018). Trong đó, tập ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu” đạt Giải C Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2018.

 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết