14/05/2024 - 19:36

Phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cần tính đến yếu tố đặc thù vùng, địa phương trong đầu tư phát triển văn hóa 

(TTXVN) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát. Nội dung thành phần của Chương trình bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022. Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Dự kiến, thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm (từ năm 2025 đến 2035), chia làm 3 giai đoạn khác nhau (năm 2025; 2026-2030; 2031-2035).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Ðắc Vinh nhất trí với 10 nội dung thành phần của Chương trình và cho rằng các nội dung này đã phản ánh được đầy đủ yêu cầu về lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, các chỉ tiêu cụ thể, ở mỗi nội dung thành phần có nhiều chỉ tiêu cụ thể được lượng hóa nhưng chưa được thuyết minh cụ thể về cơ sở khoa học, thực tiễn để xác định được tỷ lệ này. Số lượng chỉ tiêu lớn, nhiều chỉ tiêu hỗn hợp, ghép nhiều nội dung khác nhau dẫn đến khó thống kê, khó thực hiện, khó đánh giá kết quả. Một số chỉ tiêu còn cao so với thực tế thực hiện ở một số địa phương; chưa phù hợp với các khu vực khác nhau như vùng biên giới, hải đảo..., chưa tính đến yếu tố đặc thù của từng vùng, địa phương…

Tại Phiên họp, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình; cho rằng việc đầu tư ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Ðảng.

Kết luận Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là Chương trình rất quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các Nghị quyết của Ðảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ, phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chỉ ra nhiều nội dung cụ thể, chi tiết nội dung của Chương trình.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý cần thể hiện rõ hơn một số nội dung liên quan đến công nghiệp văn hóa; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đột phá, điểm nhấn của Chương trình; việc xây dựng trung tâm văn hóa tại một số nơi...

Chia sẻ bài viết