13/05/2024 - 13:53

Hài kịch truyền hình, nhìn từ “Cười xuyên Việt 2024” 

Chương trình truyền hình “Cười xuyên Việt 2024” đang phát sóng trên kênh THVL1, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long nhận được những phản hồi không tốt từ khán giả. Nhiều người cho rằng, chương trình dần đánh mất tiêu chí ban đầu, những tiết mục dự thi ngày càng nhạt, lố, kém duyên. Từ chuyện của “Cười xuyên Việt”, nghĩ về hài kịch truyền hình.

“Cười xuyên Việt 2024” được cho là mùa giải không thành công. Ảnh: THVL

Chương trình “Cười xuyên Việt” từng là một “thương hiệu” của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, được khán giả rất yêu thích, ngay từ mùa đầu tiên cách đây 9 năm. Từ chương trình này, nhiều gương mặt nghệ sĩ hài trẻ đã được phát hiện, tỏa sáng như Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa, Võ Tấn Phát, Minh Dự, Dương Thanh Vàng… Nhưng những mùa gần đây, chương trình dần mất sức hút, nhất là chương trình năm nay.

“Cười xuyên Việt 2024” rất “thập cẩm”, pha trộn trò chơi vận động, hoạt náo, đến tiểu phẩm nên không còn mang yếu tố tiểu phẩm hài kịch như những mùa đầu. Trong khi, trò chơi thì không có gì mới, lặp đi, lặp lại. Thí sinh tập hợp thành đội, đủ các sở trường từ kịch, ca hát, dẫn chương trình, thể thao… với khả năng diễn xuất không xuất sắc, có nhiều thí sinh diễn rất sượng, cường điệu, kém duyên. Kịch bản thì hầu hết đều mang “bóng dáng” của những tiểu phẩm đã nổi tiếng, được biên kịch lại, không có tính mới, tính sáng tạo, khiến người xem vừa xem đoạn đầu đã có thể đoán đoạn cuối. Những thông điệp trong tiểu phẩm có khi thì không rõ ràng, có khi thì gượng ép. Các huấn luyện viên và cả giám khảo cũng được xem là nặng yếu tố “diễn”, không thật.

Bấy nhiêu câu chuyện về “Cười xuyên Việt 2024” đủ giải thích chương trình vì sao không thu hút khán giả. Nhiều bình luận trên các nền tảng mạng xã hội đều cho rằng, cả chương trình lẫn các đội thi đều nhạt, lố và thô, cố hài nhưng không hài tí nào.

Từ câu chuyện của “Cười xuyên Việt 2024”, nhìn ra xa hơn, nhiều chương trình hài kịch trên sóng truyền hình trước đây cũng có lượt xem rất cao nhưng cũng rơi vào trạng thái bão hòa hoặc ngưng sản xuất. Đơn cử như các chương trình “Thách thức danh hài”, “Hội ngộ danh hài”, “Làng hài mở hội”, “Gặp nhau cuối tuần”… Nguyên nhân chung được cho là khán giả bây giờ có quá nhiều sự lựa chọn các loại hình giải trí, ngay cả lĩnh vực hài cũng có nhiều lựa chọn khác nhau. Kế đến, có sự dịch chuyển từ hài kịch truyền hình sang phim chiếu mạng (web drama). Thực tế, những nét diễn, tình tiết, kịch bản trong các web drama rất thành công vừa qua như “Gia đình Cục Súc”, “Cậu Út cậu con Cúc”… đều mang dáng dấp của hài kịch truyền hình nhưng được làm mới. Và với lợi thế của mạng xã hội, web drama có sự lấn át nhất định.

Nguyên nhân nữa là việc thiếu nhân tố mới cho các sân chơi hài kịch truyền hình. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ những gương mặt rất quen, có mặt hầu hết các cuộc thi, trong khi khả năng của họ cũng có giới hạn, chưa vượt lên chính mình. Kịch bản hài kịch tưởng dễ mà khó, và cái khó này cũng khiến cho các chương trình hài kịch truyền hình đang thoi thóp.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết