21/11/2016 - 21:15

Người cao tuổi: Chú trọng vấn đề xương khớp

Tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, chân run, người cao tuổi (NCT) dễ té ngã trong quá trình vận động, sinh hoạt. Những tai nạn té ngã tưởng chừng đơn giản đối với người trẻ có thể gây gãy xương ở NCT. Theo các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, khoảng 1/7 bệnh nhân điều trị tại khoa là NCT bị chấn thương do té ngã.

* Dễ gãy xương khi té ngã

Cụ Lê Văn Sáu (79 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) trên đường đi đặt dớn bắt cá về, do bất cẩn nên trượt chân, ngã xuống mé sông. Hàng xóm đi qua nhìn thấy, kịp thời báo tin để con cháu đưa ông đến BV ở địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến BV Đa khoa TP Cần Thơ. Ông Sáu kể, sau khi té ngã, chân trái đau nhiều nên ông hạn chế vận động, phải nằm một chỗ. Các bác sĩ chẩn đoán ông Sáu bị gãy cổ xương đùi, buộc phải phẫu thuật. Vài ngày sau phẫu thuật, ông ngồi dậy được và không còn cảm giác đau nhức nữa.

Bác sĩ Lê Nhất Vũ thăm hỏi cụ ông sau phẫu thuật gãy xương đùi do té ngã.

Còn chú Phan Văn Dũng (56 tuổi, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bị tai nạn do nhón chân tháo dây mắc mùng. Lúc ấy, chú ngã vào vách, chân bị đau và sưng vù, cử động cơ thể nhẹ cũng bị đau nhức. Sau khi điều trị ở các cơ sở y tế địa phương không khỏi, chú Dũng đến BV Đa Khoa TP Cần Thơ khám bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán chú bị gãy xương đùi, chỉ định phẫu thuật. Một tuần sau phẫu thuật, chú Dũng không còn đau nhức và bắt đầu tập luyện vận động nhẹ nhàng.

Bác sĩ Lê Nhất Vũ, Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, trước đây, đối với những trường hợp như ông Sáu, chú Dũng, khi y học chưa phát triển, cứ 10 người bị chấn thương gãy cổ xương đùi, thì 2 năm sau, có 5 người chết và số còn lại diễn tiến xấu dần do các biến chứng nằm lâu hoặc rất ít vận động. Hiện nay, với sự phát triển của y học, các tổn thương trên được giải quyết tương đối triệt để, giúp người bệnh phục hồi chức năng nhanh, giảm đau đớn và sớm quay lại với cuộc sống thường ngày, tránh được các biến chứng do gãy xương.

NCT dễ bị té ngã, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, NCT ít vận động, phản xạ kém với môi trường xung quanh. Bệnh cao huyết áp cũng là nguyên nhân khiến các cụ hoa mắt, chóng mặt, đi đứng loạng choạng, khó khăn. Vì lẽ đó, bậc tam cấp cao, sàn nhà tắm ẩm ướt, hay đi một đoạn đường dài… đều có nguy cơ khiến các cụ té ngã bất cứ lúc nào, dẫn đến chấn thương. Trong đó chấn thương xương khớp, nhất là gãy xương, là tổn thương nổi bật nhất ở NCT khi bị té ngã.

Theo các bác sĩ ngoại khoa, NCT khi bị té ngã thường gãy xương ở một số vị trí nhất định. Thứ nhất, do người già té ngã sai tư thế, thường bị gãy đầu trên xương đùi bao gồm: cổ xương đùi và liên mấu chuyển, vì cấu trúc xương này ở NCT thường yếu, không đảm đương được nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể khi ngoại lực tác động. Thứ hai, khi bị té, bệnh nhân thường có phản xạ chống tay, dẫn đến gãy vùng đầu dưới xương cẳng tay, mà nổi bật là gãy đầu dưới xương quay. Vị trí thứ 3 là gãy đầu trên xương cánh tay. Đó là những vùng chịu lực, cấu trúc xương loãng, đầu xương xốp nên dễ gây chấn thương.

Tùy từng loại chấn thương mà mức độ nghiêm trọng khác nhau. Chẳng hạn, gãy đầu trên xương đùi là xương lớn trong cơ thể, khi điều trị, rất khó để xương lành lại bởi tình trạng loãng xương ở NCT, tiến triển lành xương khó hơn người trẻ. Còn ở những vùng gãy đầu dưới xương quay, đầu trên xương cánh tay, đó là những xương nhỏ hơn, ít nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, các chấn thương có thể để lại rất nhiều di chứng, ảnh hưởng sinh hoạt, thậm chí bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Ngoài ra, khi các chấn thương buộc phải phẫu thuật, NCT sức khỏe yếu là yếu tố cản trở, không cho phép thực hiện cuộc mổ hoặc có mổ thì tỷ lệ thành công thấp.

* Không lạm dụng thuốc; chú ý dinh dưỡng

Bên cạnh các chấn thương gãy xương do té ngã, NCT thường gặp phải vấn đề đau nhức xương khớp. Một bộ phận người bệnh tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa; thường tin lời mách bảo về tác dụng chữa đau nhức nhanh, với đa số thuốc có chứa corticoid, dẫn đến nhiều biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe bệnh nhân khi sử dụng thời gian dài. Theo bác sĩ Lê Nhất Vũ, một trong những tác dụng phụ của corticoid góp phần làm rối loạn chuyển hóa trong xương, gây loãng xương nếu sử dụng lâu dài và không kiểm soát. Không phải loại bệnh đau nhức xương khớp nào cũng sử dụng corticoid. Quá trình khám, chữa bệnh, bác sĩ Vũ ghi nhận, rất nhiều bệnh nhân tổn thương xương khớp do tự ý dùng thuốc dẫn đến hội chứng cushing, làm da mỏng, dễ tổn thương, xuất huyết dưới da và rối loạn phân bố mỡ các vùng cơ thể. Nghiêm trọng hơn,bệnh nhân có thể lệ thuộc corticoid và suy tuyến thượng thận do biến chứng của việc sử dụng corticoid kéo dài.

Loãng xương cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chấn thương xương khớp do té ngã ở NCT. Quá trình loãng xương đến sớm ở phụ nữ hơn nam giới, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, chế độ dinh dưỡng hàng ngày hết sức quan trọng giúp xương chắc khỏe, làm chậm quá trình loãng xương. Bác sĩ Lê Nhất Vũ khuyến cáo, NCT nên thực hiện chế độ dinh dưỡng đủ chất trong các bữa ăn hằng ngày, bổ sung các thực phẩm từ thiên nhiên giàu can xi và vitamin D. NCT có thể hỗ trợ dinh dưỡng cho hệ cơ xương khớp từ sữa. Theo một số nghiên cứu cho thấy, nguồn dinh dưỡng từ đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, có hàm lượng vitamin D và can xi rất cao. Song song đó, NCT cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia vì chúng ngăn cản hấp thu các chất dinh dưỡng. Đồng thời thực hiện chế độ vận động hợp lý tùy sức khỏe, nhu cầu từng người, giúp dẻo dai và xương chắc khỏe.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết