28/12/2010 - 08:57

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ

Ban quản lý Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình (BLGĐ)” TP Cần Thơ vừa kết hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức hội thi “Chung tay phòng chống BLGĐ” năm 2010. Hội thi nhằm tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ, hội viên phụ nữ thể hiện khả năng tuyên truyền các qui định của pháp luật về phòng, chống... đồng thời, giúp cộng đồng cảm thông và chia sẻ gánh nặng BLGĐ mà người phụ nữ phải gánh chịu.

Phần tự giới thiệu của đơn vị quận Bình Thủy tại Hội thi “Chung tay phòng chống bạo lực gia đình” năm 2010. 

Với thông điệp “Đừng im lặng trước BLGĐ” và “Phòng chống BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội”... BLGĐ là một hiện tượng xã hội không mới nhưng gần đây lại nổi lên như một căn bệnh xã hội nan giải. Hội thi “Chung tay phòng chống BLGĐ” năm 2010 được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa dành cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố. Gần 100 thí sinh là cán bộ, viên chức thuộc 11 đơn vị quận, huyện, Ban công tác nữ Công an TP Cần Thơ và Chi hội Phụ nữ Thành Đội tham dự.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tại hội thi, từng địa phương xây dựng chủ đề khác nhau nhưng vẫn chung mục tiêu là tuyên truyền các Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ... Các thí sinh tập dượt khá chu đáo 3 phần thi: tự giới thiệu-trả lời trắc nghiệm- xử lý tình huống, thi tài năng.

Trong phần thi tự giới thiệu, các đội đã thể hiện rất tốt bằng giọng hát ngọt ngào ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Những tiết mục tự biên, tự diễn thể hiện kết quả cụ thể công tác tuyên truyền tại địa phương. Ở phần thi xử lý tình huống, các thí sinh bốc thăm câu hỏi do ban giám khảo đưa ra, suy nghĩ trong 10 giây và trình bày tối đa là 3 phút. Có đội thí sinh trả lời xong vẫn chưa hết thời gian, các thành viên trong đội trả lời bổ sung cho nhau cũng như xử lý tình huống đặt ra. Trong những tình huống đặt ra, thí sinh trả lời khá đầy đủ về các nhóm hành vi quy định tại Luật Phòng chống BLGĐ, như: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực tình dục, bạo lực học đường; cách xử lý khi phát hiện BLGĐ: người phát hiện phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất, UBND cấp xã, phường hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư xảy ra bạo lực. Ngoài ra, câu hỏi tình huống còn xoay quanh một số quy định của Luật Hôn nhân- gia đình, nêu lên tính chất, mức độ vi phạm, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật...

Ở phần thi tài năng, mỗi đội tự lựa chọn, xây dựng tiểu phâm theo các thể loại: kịch ngắn, trích đoạn cải lương, thơ, ca, hò, vè... nội dung mang ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới và Luật Hôn nhân -gia đình. Phần lớn tiểu phẩm đưa ra được tình huống thực tế gia đình gây bức xúc trong xã hội, giải quyết vấn đề hợp lý. Mặc dù không chuyên nghiệp nhưng trong 15 phút, các thí sinh đã diễn xuất rất tốt, tuyên truyền hiệu quả những thông điệp về nạn bạo hành trong gia đình, trong học đường, bằng những hình ảnh minh họa khá sinh động, dễ đi vào lòng người. Tiêu biểu là tiểu phẩm “Cán cân gia đình” của đơn vị quận Thốt Nốt được Ban Giám khảo đánh giá rất cao, mang tính giáo dục gia đình và xã hội. Nội dung tiểu phẩm phê phán nạn bạo hành gia đình.

Thí sinh Diễm Mẫu, đơn vị huyện Vĩnh Thạnh nói: “Đến với hội thi là dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở đơn vị bạn. Hội thi đã nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp các gia đình nhận thức rõ ràng hơn BLGĐ là vi phạm pháp luật, góp phần hạn chế nạn BLGĐ tại địa phương”. Hiện nay, nạn nhân bị BLGĐ trong xã hội ngày càng tăng và có tính phức tạp, nạn nhân các vụ BLGĐ đa số là phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân chính là do người phụ nữ phải đảm đang việc gia đình và ngoài xã hội, còn người chồng ít chia sẻ với vợ con, một số thường say xỉn về nhà chửi mắng, đánh đập vợ con... Thông qua các phần thi trắc nghiệm, xử lý tình huống và tiểu phẩm, các thí sinh đã gởi đến người phụ nữ thông điệp “đừng im lặng trước BLGĐ” và nhắn nhủ các ông chồng nên biết quan tâm chăm sóc vợ con, chia sẻ công việc nhà để vun đắp hạnh phúc gia đình.

Nhìn chung, tất cả các đội dự thi đều cố gắng tập dượt, xây dựng kịch bản khá công phu, trả lời tương đối đầy đủ những kiến thức cơ bản về BLGĐ và cách phòng chống BLGĐ. Trong xử lý tình huống, các thí sinh vận dụng rất tốt kiến thức ở một số luật, bộ luật có liên quan... Tuy nhiên, các đội chỉ tập trung phần thi “chống” mà chưa quan tâm đến việc “phòng” BLGĐ và tình huống bạo lực chủ yếu là say xỉn, chưa đa dạng, lời thoại thì hay nhưng một số thí sinh diễn xuất chưa phù hợp... Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Trưởng ban giám khảo Hội thi “Chung tay phòng chống BLGĐ” năm 2010, nhận xét: “Ở các phần thi đều toát lên vấn đề nhận thức, kiến thức cơ bản nhất trong phòng và chống BLGĐ; nguyên nhân cơ bản nhất gây ra BLGĐ do chính bản thân của các thành viên trong gia đình thiếu sự kềm chế. Qua hội thi này, chúng tôi tin rằng, công tác tuyên truyền giáo dục sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, giúp mọi người thấy được nguy hại của BLGĐ và qua đó động viên mọi thành viên trong gia đình thật sự yêu thương nhau hơn, cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Hội thi đã khép lại với nhiều thông điệp liên quan đến phòng chống BLGĐ, nâng cao kỹ năng tuyên truyền và ý thức trách nhiệm cho từng cán bộ truyền thông, từ đó vận dụng vào thực tế hiệu quả hơn, với mục tiêu để mọi người “đừng im lặng trước BLGĐ” và xem việc phòng chống BLGĐ là trách nhiệm của cộng đồng với sự chung tay của toàn xã hội.

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết