23/04/2024 - 08:23

Ngoài khéo tay, còn cần “khéo ăn khéo nói”! 

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI, năm 2024 do TP Cần Thơ tổ chức vừa kết thúc tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng với du khách. Với nhiều hoạt động phong phú, lễ hội thu hút lượng khách tham quan, trải nghiệm rất lớn. Lễ hội cũng có sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước, bên cạnh các quận, huyện của TP Cần Thơ.

Nhiều khách hàng tham quan Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ phàn nàn về cách giao tiếp của nghệ nhân.

Tuy nhiên, có một điều đọng lại sau lễ hội gây tiếc nuối, nếu không muốn nói là bức xúc, cho nhiều người, chính là thái độ ứng xử của một số người tham gia gian hàng khi tham gia lễ hội. Bên cạnh các nghệ nhân tận tâm, niềm nở, sẵn sàng trao đổi với du khách tỉ mỉ từng công đoạn làm bánh, ý nghĩa của chiếc bánh dân gian; thì có một vài cách cư xử thiếu tôn trọng khách hàng, khiến nhiều người ngao ngán.

Một nữ nghệ nhân nọ đã từng nhiều lần tham gia Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, với các loại bánh tét mini, kích cỡ chỉ bằng ngón tay cái, rất xinh xắn. Nhưng lần nào cũng vậy, bà khiến khách tham quan thất vọng vì cách trả lời trống không, nhiều khi còn nạt, cãi tay đôi với khách. Trên các trang mạng xã hội, nữ nghệ nhân này bỗng “nổi tiếng” với hàng loạt bình luận và có cả từ khóa tìm kiếm trên TikTok. Ví như trong một bài viết trên TikTok, nhiều bình luận như “Cô bán bánh tét mini nói chuyện hách dịch kinh, cô kia lại mua chùm bánh tét 15.000 đồng cô giỡn hỏi 10.000 đồng được không, bà nạt kêu về tự gói đi chị”; “Ðứng nhìn mà không mua cô cũng cọc, hỏi cái chửi luôn”… Ai hỏi giá thì cô trả lời: “Biết chữ không, sao không chịu đọc mà hỏi?”

Còn có một số người tham gia gian hàng tại lễ hội cũng làm phiền lòng du khách với kiểu ứng xử tương tự. Ví như có khách tham quan hỏi tên bánh thì họ trả lời thái độ: “Bây giờ chị hỏi mua hay hỏi chơi. Tôi không có rảnh…”, kèm theo nhiều cằn nhằn khó nghe. Nhiều người cho rằng, đó là do thái độ của người được hỏi, bởi nếu chỉ cần trả lời bánh A, bánh B sẽ nhanh hơn rất nhiều và cũng đẹp lòng hơn rất nhiều, thay vì đôi co, mắng nhiếc khách.

Còn có rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về thái độ của những người tham gia gian hàng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm nay. Bởi, không khéo cuộc đi chơi của du khách sẽ mất vui vì bị… chửi! Khi hỏi về giá, thời gian bảo quản… thì người mua phải nhận về thái độ “cọc” không thể tưởng. Khi trả giá thì người bán “mặt nặng mày nhẹ”. Dù, quyền được biết giá, mặc cả và chất lượng sản phẩm là quyền của người tiêu dùng.

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ mang nội hàm là một sự kiện văn hóa kết hợp du lịch, nền tảng là văn hóa bản địa. Ðành rằng, khi tham gia lễ hội, những người tham gia gian hàng gặp áp lực do thời gian lao động nhiều, tiếp lượng khách đông… Nhưng không vì vậy mà “tay đôi” với khách, làm mất đi nét đẹp của lễ hội.

Suy cho cùng, người làm bánh dân gian cũng là một hình thức thực hành di sản văn hóa địa phương. Họ phải khéo tay lắm mới làm ra bánh ngon, bánh đẹp; nhưng cũng cần “khéo ăn khéo nói” để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Ðó là cách để tạo ấn tượng đẹp về người làm bánh, bánh quê lẫn hình ảnh của lễ hội.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết